Theo đó, nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA) năm 2013 đạt mức kỷ lục 134,8 tỉ USD, tăng 6,1% so với năm 2012. Trong đó, dòng vốn ODA dưới dạng tín dụng vào các nước thu nhập trung bình tăng khoảng 33%. Tuy nhiên, dòng vốn viện trợ vào các nước chậm phát triển chỉ tăng 3,5% (không kể viện trợ không hoàn lại). Thậm chí, nguồn vốn viện trợ song phương vào khu vực cận Sahara giảm tới 4%. Đây là xu hướng đáng lo ngại, khi dòng vốn ODA dành cho những nước nghèo nhất có nguy cơ giảm mạnh.
Đối với nhóm quốc gia nghèo nhất trên thế giới, viện trợ ODA vẫn là nguồn vốn quan trọng, chiếm tới 75% nguồn vốn vào và đóng góp khoảng 59% trong tổng thu thuế trong nước. Trái lại, tại các nước thu nhập trên trung bình, vốn ODA chỉ chiếm 6% nguồn vốn vào và đóng góp 0,8% vào thu nhập thuế trong nước.
Trong những năm gần đây, dòng vốn ODA có xu hướng tăng mạnh, vượt xa vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ theo cơ chế thị trường như tín dụng không ưu đãi và cho vay có hoàn lại. Hơn nữa, nhiều nước đang phát triển có khả năng huy động nguồn vốn rất lớn ngay tại trong nước để phát triển kinh tế.
Theo thống kê, vốn FDI trên toàn cầu năm 2013 đạt 1.460 tỉ USD, tăng 4,5% so với năm trước, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 30% so với thời kỳ trước khủng hoảng (năm 2007). Nguyên nhân cơ bản là do hoạt động mua bán, sáp nhập (một bộ phận quan trọng trong vốn FDI) có xu hướng giảm mạnh.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, vốn FDI của các công ty đa quốc gia có xu hướng tập trung vào đầu tư vào các khoản cho vay giữa các doanh nghiệp và đầu tư phát triển các nguồn tài chính hơn là thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập. Trái với những năm 2005-2007, các hoạt động mua bán và sáp nhập chiếm 80% vốn FDI.
Trong hai năm 2012-2013, trên 50% vốn FDI đổ vào các nước đang phát triển và mới nổi. Trong năm 2013, dòng vốn FDI từ Mỹ tiếp tục chiếm giá trị lớn nhất với 360 tỉ USD, tiếp theo là Nhật Bản với 136 tỉ USD và Trung Quốc với 73 tỉ USD.
Đối với các nước đang phát triển, dòng vốn ODA có ý nghĩa quan trọng, nhưng lượng vốn đổ vào các nước nghèo lại tụt hậu. Trước xu hướng tiêu cực này, Ủy ban Hỗ trợ phát triển của OECD đang cân nhắc xây dựng mục tiêu của Liên hiệp quốc, kêu gọi các nhà tài trợ dành 0,15-0,2% tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho các nước chậm phát triển, thậm chí đưa ra những mục tiêu tham vọng hơn.
Ủy ban Hỗ trợ phát triển của OECD cũng đề nghị tăng dòng vốn ODA dành cho khu vực tư nhân. Về vấn đề này, cần có cơ chế thích hợp như bảo lãnh của chính phủ nhằm loại trừ một số rủi ro đầu tư, khuyến khích và phát huy tính năng động của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần tăng lượng vốn ODA cho những nước nghèo và giảm sự lệ thuộc của một số quốc gia vào vốn ODA. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA tại những nước nghèo và dễ bị tổn thương theo hướng tập trung vào xây dựng hạ tầng cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và giảm nghèo.
Nguồn SBV