Chủ Nhật | 16/12/2012 10:09

Xóa sổ thương hiệu Habubank và biến cố tại ACB

Một thương hiệu hơn 20 năm tuổi bị xóa sổ sau sáp nhập với SHB, biến cố tại ACB cũng là sự kiện nổi bật trong ngành ngân hàng 1 năm qua.
Sáp nhập SHB - Habubank

Thương vụ sáp nhập giữa ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank – HBB) là vụ sáp nhập duy nhất trong ngành ngân hàng năm nay.

Vụ sáp nhập chính thức vào ngày 28/8 sau 6 tháng hoàn tất các thủ tục.

Sáp nhập vào SHB bởi lẽ Habubank buộc phải tái cơ cấu khi đang mang trên mình khoản lỗ lũy kế lên tới 4.066 tỷ đồng, mà nguyên nhân là "do tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn", tập trung ở các lĩnh vực như: đóng tàu, sản xuất giấy, thuỷ sản.

Sau khi về với SHB, một ngân hàng có vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng, đội ngũ cán bộ đông đảo và mạng lưới phòng giao dịch rộng khắp cả nước, là ngân hàng TMCP đầu tiên ra đời trong quá trình đổi mới ở Hà Nội, giờ đây Habubank chỉ là cái tên trong quá khứ. SHB sau sáp nhập có tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 8.865 tỷ và nằm trong nhóm các ngân hàng TMCP lớn ở Việt Nam.

Trước mắt, vụ sáp nhập đã khiến cho ngân hàng SHB gặp không ít những khó khăn, chẳng hạn phải gánh khoản lỗ 1.700 tỷ đồng trong quý III năm nay do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Lũy kế 9 tháng, SHB đã lỗ hơn 1.100 tỷ đồng.

Về lâu dài, theo đánh giá của giới quan sát, SHB sẽ có lợi nhờ được nhiều ưu đãi (như không phải chịu thuế trong 3 năm) và cơ sở vật chất, con người sẵn có từ Habubank. Sau khi trích lập dự phòng khá đầy đủ ở quý III, kỳ vọng quý IV SHB sẽ có lãi trở lại.

Trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu HBB của Habubank chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 17/8 để hoán đổi sang cổ phiếu SHB theo tỷ lệ 1 HBB = 0,75 SHB. Cuối tháng 10, số cổ phiếu SHB phát hành thêm do hoán đổi từ HBB đã chính thức được giao dịch, đánh dấu sự kết thúc hoàn toàn quá trình sáp nhập Habubank – SHB. Hiện tại, giá cổ phiếu SHB đang ở vùng thấp nhất từ trước tới nay khi chỉ quanh 5.000 đồng/cp.

Trong những ngày cuối năm, cổ phiếu của SHB xuất hiện những giao dịch lớn từ khối ngoại. Cổ phiếu này bị bán ròng liên tục trong 22 phiên kể từ ngày 20/11, trung bình 1 triệu cổ phiếu/phiên. Tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại giảm từ mức hơn 5% cách đây 1 tháng, xuống còn 2,53% ở thời điểm cuối ngày 14/12.

Biến cố tại ACB

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là một trong số 12 ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam. Hoạt động của nhà băng này trong 6 tháng đầu năm diễn ra khá suôn sẻ cho dù những khó khăn của nền kinh tế và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng.

Mọi chuyện tưởng chừng như sẽ êm đềm, nhưng bắt đầu từ cuối tháng 8, một loạt các biến cố đã ập đến với ACB, khiến cho ngân hàng này trở thành một trong những cái tên gây chú ý nhất trong ngành ngân hàng năm 2012.

Ngày 20/8, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của ACB, đồng thời là cổ đông cá nhân lớn thứ hai của ngân hàng với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 3,75% - ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ do hoạt động kinh doanh trái phép của 3 công ty mà ông quản lý. Một tháng sau, ông bị khởi tố bổ sung tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 23/8, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB là Lý Xuân Hải (từ nhiệm trước đó 1 ngày) cũng bị bắt tạm giam 4 tháng về tội cố ý làm trái.

Ngày 18/9, Chủ tịch HĐQT ngân hàng là ông Trần Xuân Giá cùng với 2 Phó chủ tịch HĐQT là ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang từ nhiệm. Lên thay vị trí chủ tịch là ông Trần Hùng Huy (con trai của nguyên chủ tịch Trần Mộng Hùng). Hai phó chủ tịch được bổ nhiệm là ông Lương Văn Tự và Julian Fong Loong Choon. Cùng ngày, ông Phạm Trung Cang, phó chủ tịch Eximbank, đồng thời nguyên là phó chủ tịch ACB, cũng từ nhiệm.

Ngày 27/9, nguyên chủ tịch và 3 nguyên phó chủ tịch của ACB bị cơ quan điều tra khởi tố về tội làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc có liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên.

Theo cơ quan điều tra, những việc làm của các thành viên cựu lãnh đạo ACB nói trên đã gây hậu quả lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB là 718,908 tỷ đồng.

Những biến cố về nhân sự tại ACB khiến cho một số người sụt giảm niềm tin và rút tiền khỏi ACB.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng hợp nhất của ACB, lượng tiền gửi của khách hàng tại thời điểm ngày 30/9 chỉ đạt 122.848 tỷ đồng, giảm 13.620 tỷ tương đương 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn so với thời điểm 30/6/2012, lượng tiền gửi giảm tới 22.768 tỷ đồng, tương đương mức giảm 15,6%.

Cùng với những biến cố về nhân sự, hoạt động của ACB năm nay còn để lại dấu ấn vì lỗ nặng từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ.

Trong quý III, ngân hàng phải mua vàng từ thị trường với giá cao để bù đắp trạng thái theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và đã âm 1.144 tỷ đồng. Kết quả là, ACB đã lỗ hơn 691 tỷ trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9. Trong 9 tháng đầu năm, tổng tài sản của ACB giảm hơn 66.700 tỷ.

Trên sàn giao dịch chứng khoán, sự việc ông Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải bị bắt đã khiến cổ phiếu của ACB giảm sàn 3 phiên liên tiếp (21, 22, 23/8). Ngày 21/8, cổ phiếu của các ngân hàng khác cũng sụt mạnh trong khi chỉ số VN-Index giảm 4,7% - ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Kể từ ngày 21 - 27/8, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán giảm tổng cộng 65.000 tỷ đồng.

Kể từ ngày 21/8 tới nay (đóng cửa ngày 14/12), giá cổ phiếu của ACB đã giảm tổng cộng 9.100 đồng/cp, tương đương 35%. So với thời điểm ngày 2/1 thì giá cổ phiếu ACB giảm 2.100 đồng tức xấp xỉ 13%.

Nguồn CafeF


Sự kiện