Xi măng xuất khẩu tăng kỉ lục
Không phải đến khi bất động sản "đóng băng” mà từ nhiều năm trước, sản xuất xi măng liên tục ở trong tình trạng cung vượt cầu. Trong các ngành tồn kho lớn và kéo dài, xi măng luôn ở tốp đầu. Ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, nhiều đơn vị thuộc ngành xi măng còn tìm thêm đầu ra bằng cách xuất khẩu.
Từ đầu quý 1 đến nay và dự kiến cho cả 2013, xi măng là 1 trong những mặt hàng có chỉ số tăng trưởng xuất khẩu vào loại cao nhất. Đến hết tháng 11, tổng số lượng xi măng xuất khẩu đạt xấp xỉ 12,5 triệu tấn, so cùng kì năm trước tăng gần 65% .
Bình quân mỗi tháng từ đầu 2013 đến nay, xuất khẩu xi măng đạt hơn 1,1 triệu tấn/tháng. Với đà tăng trưởng như hiện thời, dự kiến 2013 xuất khẩu xi măng chạm mốc khoảng 14 triệu tấn, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Mặt hàng xi măng được xuất khẩu chủ yếu cho 2 thị trường thuộc khu vực Đông Nam Á và Trung Đông. Malaysia, Indonesia là đối tác ở Đông Nam Á nhập khẩu xi măng Việt Nam với số lượng lớn nhất. Xuất khẩu đến nhiều quốc gia, với số lượng tăng kỉ lục, góp phần giải quyết đầu ra cho ngành hàng này, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ xuất khẩu xi măng vẫn còn ở mức thấp.
Hệ số đầu tư với giá thành sản phẩm cao cùng với cước phí vận chuyển (bằng đường thủy) chiếm phần không nhỏ, đó là 2 yếu tố kéo lùi hiệu quả xuất khẩu mặt hàng xi măng. Nên biết rằng, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế tiêu hao năng lượng, không ít quốc gia thực hiện chính sách dùng xi măng nhập khẩu thay cho sản xuất trong nước. Sản xuất xi măng quá mức cần thiết (cung vượt xa cầu) là 1 trong những nguyên nhân làm cho một số tài nguyên khoáng sản sớm bị cạn kiệt.
Ngoài việc tăng mạnh chỉ số xuất khẩu, đến hết tháng 11, xi măng tiêu thụ trong nước đạt gần 43 triệu tấn, tăng hơn 10% so cùng kì năm trước. Dự kiến hết 2013, kể cả phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, tổng mức tiêu thụ xi măng đạt hơn 60 triêu tấn. So với tổng công suất hiện có, ngành xi măng vẫn tiếp tục "sống chung” với tình trạng cung vượt cầu. Tại thời điểm đầu tháng 12-2013, toàn ngành xi măng còn tồn kho gần 3 triệu tấn.
Trước đây, những tháng cuối năm (kể cả dương lịch và âm lịch) được coi là thời vụ tiêu thụ xi măng (nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ xây dựng) nhưng hiện thời chỉ số tiêu thụ xi măng luôn ở trong tình thế trầm lắng. Hiện trạng phải cắt giảm công suất hoạt động, bị thua lỗ, thậm chí phải nhượng bán dự án đã và đang xảy ra trong ngành sản xuất xi măng.
Theo Bá Tân
Nguồn CafeF