Ngành Xi măng sẽ khó khăn trong 2019, nhất là thị trường xuất khẩu

 
Minh Anh Thứ Ba | 29/01/2019 15:09

Xi măng Việt Nam bị áp thuế vào Philippines

Philippines đánh thuế sản phẩm xi măng nhập khẩu vào nước này, trong đó có sản phầm xi măng của Việt Nam với mức 4 USD/tấn xi măng.

Khó khăn cho Việt Nam

Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) quyết định áp dụng biện pháp tự về tạm thời đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào Philippines, sau quá trình điều tra.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines, DTI kết luận lượng nhập khẩu xi măng vào nước này gia tăng đột biến và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Với kết luận này, DTI quyết định áp dụng thuế tạm thời đối với xi măng nhập khẩu từ các nước là 210 peso/tấn (khoảng 4 USD/tấn) để bảo vệ cũng như thúc đẩy ngành sản xuất nội địa.

Cũng theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines, mức thuế tự vệ này được xác định trên cơ sở cân bằng lợi ích của tất cả bên liên quan, đặc biệt là để đảm bảo lượng cung vẫn duy trì ổn định và giá bán không tăng.

Quyết định này vô hình chung ảnh hưởng lớn đến ngành xi măng Việt Nam, hiện Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 - 2017.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinke và xi măng của Việt Nam sang Philippines liên tục tăng cả về khối lượng và giá trị kể từ năm 2014 đến năm 2018.

Trong đó, khối lượng xuất khẩu tăng từ khoảng hơn 1 triệu tấn lên hơn 6,6 triệu tấn và giá trị tăng từ hơn 1,2 triệu USD lên hơn 300 triệu USD vào năm 2018. Đến năm 2018, xuất khẩu sang Philippines chiếm gần 21% tổng xuất khẩu mặt hàng này đi các thị trường.

DTI cho rằng sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này, thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán của ngành sản xuất nội địa.

Biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 200 ngày dưới hình thức tiền ký quỹ đối với xi măng nhập khẩu. Trước đó, vào cuối tháng 9, DTI quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm xi măng có mã HS: 2523.2990 và 2523.9000.

Xi mang Viet Nam bi ap thue vao Philippines
 

Dự báo 2019, xi măng nhiều thách thức

Dù xuất khẩu sản phẩm xi măng năm 2018 đạt kỷ lục 31,65 triệu tấn, tăng tới 55% so với năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cũng lần đầu vượt qua con số 1 tỉ USD.

Tuy nhiên, thị trường xi măng 2019 sẽ nhiều khó khăn. Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, đánh giá đây sẽ là một năm khó đoán định về thị trường.

Theo ông Sâm, xét về thị trường, năm qua, Bangladesh, Trung Quốc… đều là những thị trường xuất khẩu lớn của ngành xi măng, nhưng năm 2019 chưa chắc Việt Nam xuất khẩu được nhiều sang các thị trường này, bởi rất có thể chính sách nhập khẩu vật liệu xây dựng của họ sẽ thay đổi.

Hiện do giá xi măng Trung Quốc cao và vì những biện pháp về môi trường nên một số nhà máy của Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu buộc phải đóng cửa, nhưng nếu họ thay đổi chính sách hoặc doanh nghiệp có đầu tư tốt thì câu chuyện có thể khác.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, đà tăng trưởng tốt của ngành xi măng trong năm 2018 thì nhiều khả năng ngành sẽ tiếp tục có một năm tăng trưởng khá. Theo dự đoán của ông Cung, năm 2019, mức tăng trưởng của ngành xi măng đạt khoảng 7 - 8%, xuất khẩu giữ ở mức như năm 2018.

Theo Vụ Vật liệu - Bộ Xây dựng, dự kiến sản lượng xi măng tiêu thụ toàn ngành năm 2019 khoảng 98 - 99 triệu tấn, tăng 6 - 8% so với năm 2018, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 29 - 30 triệu tấn.

Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) sẽ tập trung cho thị phần trong nước bằng cách hạ giá thành sản phẩm, tái cơ cấu lại sản phẩm theo mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát huy các thương hiệu mạnh, giảm các thương hiệu yếu, tối ưu hóa logistics, thực hiện điều chuyển xi măng từ miền Bắc đi miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý giá bán, kênh phân phối, hóa đơn điện tử…