Thứ Năm | 29/05/2014 15:22

Xi măng "sống" nhờ gì?

Hết năm 2013, một số doanh nghiệp (DN) ngành xi măng đã báo lãi, dù số lãi còn rất thấp.
Dường như điều đó cho thấy ngành Xi măng đang thoát dần ra khỏi khủng hoảng, dù tín hiệu hồi phục còn rất chậm. Đánh giá về nguyên nhân ngành xi măng thua lỗ nặng có nhiều, nhưng đánh giá về cách mà ngành xi măng "sống" được, thì lại rất ít.

Kết thúc năm 2013, Công ty xi măng Cẩm Phả báo lỗ khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế Công ty chỉ lỗ 60 tỷ đồng, vì khoản chênh lệch lỗ 90 tỷ đồng với báo cáo tài chính là do tỷ giá chưa được phân bổ.


Trước đó, năm 2012, Công ty lỗ gần 400 tỷ đồng, tổng cộng lỗ lũy kế của Công ty lên tới hàng nghìn tỷ đồng… Nhưng đến năm 2014, Công ty cho biết sẽ tái cấu trúc tài chính và đặt mục tiêu có lãi. Hiện, Công ty này đã khai thác vượt công suất của nhà máy.

Lỗ vì được ưu đãi!

Xi măng Cẩm Phả đã giảm lỗ và đặt mục tiêu có lãi sau cú đổi chủ ngoạn mục: bán được 70% cổ phần cho Viettel. Nhưng lý do làm cho Công ty này lỗ là do suất đầu tư nhà máy quá cao, lên tới 6.372 tỷ đồng cho công suất sản xuất 2,3 triệu tấn xi măng mỗi năm. Bình quân suất đầu tư của Công ty lên tới 2,64 triệu đồng/tấn, gấp hơn 2 lần giá bán xi măng.

Phần vốn đầu tư lại chủ yếu là đi vay, do thế, ngay khi đi vào hoạt động, Công ty đã mất cân đối trong việc trả nợ và khấu hao nhà máy, lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Kết cục là cổ đông lớn nhất của Công ty, Vinaconex, phải bán 70% cổ phần xi măng Cẩm Phả cho Viettel.
Vinaconex thoát được "cục đá" mang tên Xi măng Cẩm Phả, nhưng số lỗ hàng nghìn tỷ những năm trước và thiệt hại cực lớn từ một khoản đầu tư thất bát vào xi măng Cẩm Phả, thì không ai gánh thay cho Vinaconex.

Không riêng xi măng Cẩm Phả lỗ nặng vì vay vốn quá lớn để xây dựng và suất đầu tư bình quân quá cao, hàng loạt nhà máy xi măng khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự, trong đó có nhiều nhà máy của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.

Chẳng hạn, Nhà máy xi măng Hoàng Mai vay tới 100% vốn đầu tư xây dựng (gần 3.300 tỷ đồng, vốn được Chính phủ bảo lãnh 2.063 tỷ đồng). Công ty xi măng Tam Điệp có tổng mức đầu tư 3.785 tỷ đồng, thì vốn vay được Chính phủ bảo lãnh đã là 1.774 tỷ đồng. Công ty Xi măng Hạ Long (thuộc Tập đoàn Sông Đà) có tổng mức đầu tư 6.760 tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay có bảo lãnh chính phủ và không có bảo lãnh chính phủ, suất đầu tư nhà máy của công ty này bình quân tới 3,21 triệu đồng/tấn… Nhưng đó cũng chỉ là bề nổi.

Nguyên nhân chủ chốt trong tình cảnh làm không đủ trả nợ của các nhà máy xi măng bắt nguồn từ… Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ đã đưa xi măng vào danh mục được ưu tiên đầu tư, do thế, các dự án đầu ngành này rất dễ "kiếm" được vốn vay từ nước ngoài với bảo lãnh của Chính phủ. Hàng chục dự án đầu tư nhà máy xi măng đã được thực hiện theo nguồn này, riêng giai đoạn từ 1/1/2010 đến nay là 16 dự án.

Xi măng vẫn là ngành sản xuất hứa hẹn có nhiều lợi nhuận
Xi măng vẫn là ngành sản xuất hứa hẹn có nhiều lợi nhuận

Có vốn bảo lãnh chính phủ và với "mác" DNNN, các DN cũng lại đi vay ngân hàng trong nước phần vốn để "bổ sung" phần lớn vốn đầu tư còn lại không được bảo lãnh. Suất đầu tư lớn và chủ yếu đi vay, nên dù có trong điều kiện bình thường, thì kết quả hoạt động của các dự án quá khó để thoát cảnh làm không đủ trả nợ. Đó mới là nguyên nhân lớn nhất.

Không ồn ào như những ngành sản xuất khác, đang có một dòng vốn trong nước và vốn FDI đáng kể "chảy" vào với danh nghĩa "cứu" ngành xi măng. Con số những thương vụ M&A trong khoảng 3 năm trở lại đây đã lên tới hàng chục.

Điều đó cho thấy, theo đánh giá của các nhà đầu tư, xi măng vẫn là ngành sản xuất hứa hẹn có nhiều lợi nhuận và đó là điều mâu thuẫn với thực tế hoạt động của ngành.

Lãi nhờ đâu?

Không tính xi măng Chinfon (Đài Loan) đã hoàn thành đây chuyền sản xuất thứ 2, nâng gấp đôi công suất, thì đã có Tập đoàn Xi măng Semen Gresik (Indonesia) mua cổ phần Xi măng Thăng Long với trị giá hơn 4.800 tỷ đồng.

Tại xi măng Cẩm Phả, trước khi Viettel xuất hiện, cũng đã có 2 tập đoàn xi măng nước ngoài đề xuất hợp tác tái cấu trúc vốn. Năm 2012, Tập đoàn SCG Cement cũng đã mua lại 99% cổ phần Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai để sản xuất xi măng trắng.

Trong nước, Tập đoàn Xi măng The Vissai đã mua lại Nhà máy xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn), Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam cũng đang xúc tiến chương trình mua lại nhiều nhà máy xi măng tại các địa phương, trong đó đã hoàn tất mua lại Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2… Nếu xi măng không có lãi, thì liệu ai dám đổ tiền vào ngành này?

Bên cạnh việc các nhà máy xi măng bắt đầu có lãi sau tái cấu trúc, thì hướng mở với các DN xi măng hiện nay là xuất khẩu (XK). Năm 2013, các DN xi măng Việt Nam đã XK tới 14 triệu tấn, góp phần khá lớn vào duy trì sản xuất, giảm lỗ.

Tuy các "chuyên gia" vẫn than phiền về thực tế giá XK của xi măng Việt Nam thấp hơn đến 40% so với giá bán trong nước và thấp hơn giá XK xi măng của các nước trong khu vực. Nhưng rõ ràng cả về trước mắt và lâu dài, XK xi măng vẫn là lối thoát khả dĩ với các DN, nếu không muốn phải "bán mình" cho DN khác.

Vấn đề còn lại với các DN xi măng chính là giải được bài toán chi phí. Dù trong dự án và các báo cáo tài chính, các DN đều giải thích về chi phí sản xuất xi măng hiện quá cao. Nhưng chi phí sản xuất thực tế của xi măng tại Việt Nam là bao nhiêu thì vẫn là một… bí ẩn.

Theo lãnh đạo Xi măng Vissai, giá xi măng Việt Nam đang gần như thấp nhất ASEAN, chỉ đạt khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn, tương đương khoảng 60 USD/tấn. Trong khi đó, giá xi măng tại Indonesia là 140 - 160USD/tấn, Lào là 200USD/tấn, Campuchia 140USD/tấn. Ngoài ra, để sản xuất xi măng, DN phải chịu khá nhiều loại thuế, phí đánh vào nguyên liệu.

Xi măng sản xuất tại nước nào đương nhiên phải chịu các chi phí của nước đó, do vậy, giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam thấp cũng là đã phản ánh đúng giá thành, lợi thế sản xuất xi măng tại Việt Nam.

Vấn đề vướng mắc nhất với các DN xi măng chính là tỷ lệ vay nợ lớn và lãi suất vay cao. Mặt khác, giá thành đầu tư các dự án xi măng của Việt Nam hiện cũng chưa được chú ý quản lý, trong khi thực tế "thổi giá" đầu tư các dự án hiện rất phổ biến.

Như vậy, nếu giải được bài toán giá thành đầu tư cao, chi phí sản xuất lớn nhưng giá sản phẩm thấp, thì cửa "sống" của DN xi măng là rất rõ ràng.

Nguồn Thời Báo Kinh Doanh


Sự kiện