Xét xử vụ án liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên vào cuối năm nay
Tại buổi tiếp xúc ở quận Sơn Trà, cử tri Nguyễn Văn Ý hỏi: "Các vụ án tham nhũng lớn để kéo dài chưa đưa ra xét xử làm mất lòng tin nhân dân. Với cương vị là phó Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đề nghị ông Nguyễn Bá Thanh công khai cho dân biết mười vụ án tham nhũng lớn bao giờ đưa ra xét xử?."
Ông Thanh cho biết các vụ án tham nhũng lớn về mặt tố tụng phải làm hết sức chặt chẽ nên thời gian có kéo dài. Mười vụ án tham nhũng lớn thời gian qua đã công khai chứ không giấu giếm gì. "Nhưng từ nay đến cuối năm 2013 sẽ đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng lớn. Chúng tôi đôn đốc làm quyết liệt, còn các vụ chưa đưa ra xét xử được trong năm nay thì sẽ được xét xử vào đầu năm sau, nhưng đến tháng 6/2014 là kết thúc hết".
Theo ông Thanh, dự kiến đưa ra xét xử vụ án liên quan đến Nguyễn Đức Kiên ở Ngân hàng ACB vào cuối năm 2013. Còn vụ án Dương Chí Dũng nếu làm sòng phẳng phải mất vài năm, chủ yếu tập trung vào tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả lớn về tài sản, tiền bạc của đất nước. "Nhưng trong chống tham nhũng bây giờ khó nhất là xử lý như thế nào người đứng đầu. Người đứng đầu ở đây có nghĩa là người đứng đầu về mặt Đảng, đứng đầu về mặt chính quyền - ông Thanh nói - Đương nhiên đến một giai đoạn nào đó khi pháp luật làm nghiêm thì người đứng đầu quán xuyến không nổi công việc để cấp dưới tham nhũng cũng bị cách chức".
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, bà Bùi Thị Kiều Oanh, cán bộ đang công tác tại một ngân hàng có chi nhánh ở Đà Nẵng, phản ảnh: "Tôi đã có 30 năm công tác trong ngành ngân hàng nhưng bây giờ tôi hết sức băn khoăn về đạo đức của cán bộ ngân hàng. Việc nợ xấu là do cán bộ ngân hàng không có đạo đức, coi thường pháp luật để nâng khống tài sản khi định giá...".
Ông Nguyễn Bá Thanh nói: "Nói nợ xấu ngân hàng do đạo đức cán bộ là không sai. Cái này tôi cũng đã phát biểu trên diễn đàn Quốc hội. Nâng khống giá trị tài sản lên, ông vay cũng tranh thủ kiếm chác để cho lại ông cho vay, hai bên đều có lợi hết, chỉ có Nhà nước là thiệt".
Theo ông Thanh, ở một số nước tiên tiến người ta quản lý chặt, luật pháp người ta trừng phạt nghiêm. Không có chuyện giá trị căn nhà mười tỉ đồng mà nâng lên thành bảy tám chục, trăm tỷ được. Người nào đi thẩm định căn nhà đó là ra tòa liền, đi tù liền, không có chuyện dễ dãi như thế được. Ở các nước bao nhiêu tỷ là người ta công khai giá đất thị trường tại thời điểm đó. Không ăn gian nói láo được. Mình đây nói đại lên rồi cho vay, cuối cùng không có tiền trả thì Nhà nước chịu. Một số cán bộ ngân hàng giải quyết cho vay vi phạm pháp luật về điều kiện cho vay. Người quyết định ẩu như thế làm mất mát tiền của Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm".
Nguồn Tuổi trẻ