Xe nhập khẩu trước nguy cơ giá chồng giá
Chỉ còn hơn tháng nữa là tới 2016, đồng nghĩa với những chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp lên xe hơi nhập khẩu sắp có hiệu lực. Không chỉ một, mà có tới vài chính sách, điều chỉnh khác nhau liên quan. Các nhà chuyên kinh doanh xe nhập khẩu đứng trước nguy cơ phải tăng giá liên tục để chạy theo chính sách.
Đầu tiên, Nghị định 108 là văn bản luật đầu tiên có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo đó, thời điểm tính thuế TTĐB đổi từ giá vốn sang giá bán buôn, tức là giá vốn cộng thêm phần chi phí vận chuyển, quảng cáo, bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo cách tính mới, mức thuế TTĐB doanh nghiệp phải đóng sẽ tăng lên, do đó bắt buộc phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận. Các nhà kinh doanh sẽ điều chỉnh giá cho phù hợp từ đầu 2016. Mức tăng thêm phụ thuộc vào từng loại xe và cách mà nhà phân phối thương thuyết với cơ quan thuế.
Tuy nhiên họ còn phải đối mặt với chính sách khác mà Quốc hội đang thảo luận, có thể áp dụng vào 1/1/2016. Dự luật thay đổi mức thuế suất TTĐB đánh trên từng dòng xe theo dung tích, tăng mạnh ở những xe 2 lít trở lên, vốn chiếm thị phần lớn trong dòng xe nhập.
Trong trường hợp được phê duyệt, sau khi vừa điều chỉnh mức giá bán xe theo thời điểm tính thuế TTĐB mới (nghị định 108), giá xe theo mức thuế suất TTĐB mới lại tiếp tục được điều chỉnh.
Vì vậy, 8 nhà nhập khẩu xe hơi ở Việt Nam tỏ ra lo ngại, soạn chung bản kiến nghị gửi Chính phủ cũng như các cơ quan có thẩm quyền về nhập khẩu xe hơi. Thay đổi chính sách liên tục sẽ khiến các nhà kinh doanh gặp khó khăn khi phải điều chỉnh kế hoạch để theo sát. Gây tiếng xấu với nhà đầu tư nước ngoài vì môi trường không phát triển bền vững và cuối cùng ảnh hưởng tới sức mua.
Các nhà nhập khẩu kiến nghị lùi thời gian áp dụng nghị định 108 cũng như những chính sách khác liên quan xuống 1/7/2016, nhằm có khoảng thời gian để thị trường kịp thích ứng.
Một mâu thuẫn khác trên thị trường ôtô Việt Nam là càng tới gần 2018, lợi ích của hai nhóm xe nhập khẩu và xe lắp ráp càng trái chiều. Bởi đây là thời điểm thuế nhập xe từ ASEAN phải giảm về 0% cùng hàng loạt các cam kết khác.
Lo ngại xe nhập tràn lan, ảnh hưởng đến nền công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước, Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đưa ra dự thảo tiến hành áp những mức thuế mới lên xe xuất khẩu để tiếp tục hạn chế. Bảo hộ sản xuất nội địa, đẩy các nhà kinh doanh xe nhập khẩu vào cửa khó do phải tăng giá.
Khi không tìm được điểm chung, xe nhập khẩu và xe lắp ráp đã chính thức tách nhau ra trong 2015. Biểu hiện rõ nhất bằng việc tổ chức hai triển lãm xe khác nhau. Trong khi VAMA vẫn tổ chức Vietnam Motor Show tại Sài Gòn như 3 năm trở lại đây, thì sân chơi riêng dành cho xe nhập khẩu mang tên Vietnam International Motor Show lại tổ chức tại Hà Nội.
Sang năm tới, các nhà nhập khẩu sẽ mang triển lãm vào Sài Gòn, cùng sự tham gia của những thương hiệu mới. Thể hiện sự đoàn kết hơn vì cùng chung lợi ích, với hãng siêu sang Rolls-Royce hay xe thể thao Maserati, bên cạnh những cái tên quen thuộc Audi, Porsche, BMW, Mini, Land Rover, Jaguar, Renault, Subaru, Volkswagen.
Nhưng dẫu có mâu thuẫn thế nào giữa các nhà kinh doanh xe hơi thì người Việt Nam vẫn phải mua với giá cao. Bởi chưa biết khi nào ôtô mới rời khỏi nhóm mặt hàng "cần hạn chế tiêu dùng".
Nguồn Vnexpress