Ngoài xe buýt, thành phố cũng triển khai loại hình xe đạp công cộng, quy mô ban đầu khoảng 500 xe với nhiều vị trí kết nối thuận tiện. Ảnh: Qúy Hòa.

 
Thứ Bảy | 26/03/2022 07:30

Xe buýt vượt bão

Với nhiệm vụ giảm tải cho hệ thống giao thông thành phố, xe buýt vẫn loay hoay tìm hướng kinh doanh.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, 2021 là năm vô cùng khó khăn đối với ngành vận tải hành khách tại thành phố, đặc biệt là xe buýt. Từ ngày 20/6 đến đầu tháng 10/2021, mọi hoạt động của xe buýt đều đóng băng. Khối lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt chỉ đạt khoảng 160 triệu lượt, giảm gần 60% so với năm trước và chỉ đạt 25% kế hoạch đề ra.

Dòng tiền cạn kiệt

Đồng thời, nhiều chủ xe buýt nhận thấy càng chạy càng lỗ nên không mặn mà với công việc bấy lâu nay và tìm hướng đi mới. Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ xe buýt của một tuyến từ TP.HCM đi Biên Hòa (Đồng Nai), chia sẻ đang phải gồng lỗ khoảng hơn 4 triệu đồng/ngày bởi giá dầu tăng cao. Ngoài chi phí nhiên liệu, các chủ xe cũng nặng gánh với tiền tài xế, nhân viên phục vụ, phí cầu đường, bến bãi, rửa xe, ăn uống và hàng loạt chi phí khác...

“Người dân đi xe buýt không nhiều như trước, giá cả thì leo thang khiến chúng tôi xoay xở vô cùng khó khăn. Thời gian tới, nếu mọi thứ không có chuyển biến tích cực, chúng tôi buộc phải chuyển qua chở công nhân vì lượng khách ổn định, thu nhập đều đặn hơn”, ông Hòa nói.

 

Đại diện nhiều hợp tác xã vận tải xe buýt tại TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các chủ xe, hợp tác xã gặp khó khăn về tài chính là do tiền tạm ứng trợ giá hằng tháng đang bị chậm thanh toán. Thông thường, vào đầu mỗi tháng, số tiền này sẽ được giải ngân đến hợp tác xã. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, các đơn vị vẫn chưa nhận được tiền tạm ứng trợ giá, trong khi doanh thu từ bán vé xe buýt giảm 70-80% so với trước. 

Trao đổi với NCĐT, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM, cho biết đang đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự toán để ký hợp đồng tạm ứng, thanh toán cho các đơn vị vận tải xe buýt. Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ khi hợp đồng giữa Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng và các đơn vị vận tải xe buýt hoàn tất sẽ được gửi qua Kho bạc Nhà nước để chi tiền tạm ứng, thanh toán. Thời gian hoàn tất việc ký hợp đồng mất khoảng 15 ngày. Ngoài ra, chi phí xăng dầu tăng mạnh trong thời điểm này cũng sẽ được tính vào tiền trợ giá cho các đơn vị như những năm trước.

Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất trên thế giới. Hơn 20 năm luẩn quẩn trong cơ chế trợ giá, nếu xe buýt không tìm được lối ra thì hệ thống giao thông công cộng cũng nguy kịch.

Lời giải từ xe buýt điện?

Mới đây, TP.HCM đã chính thức đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện đầu tiên. Tuyến xe buýt này sử dụng năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường với tần suất hoạt động 20 phút/chuyến từ 5H đến 21H15 hằng ngày. Lộ trình di chuyển từ Bến xe buýt Sài Gòn (đường Lê Lợi, quận 1) đến Khu Đô thị Vinhomes Grand Park.

Đại diện Công ty Dịch vụ Vận tải sinh thái VinBus, đơn vị vận hành tuyến xe buýt điện, cho biết áp dụng chính sách vé chung của các tuyến xe buýt thành phố, giá vé 3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên và 7.000 đồng/lượt đối với nhóm khách còn lại. Riêng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 1,3 m được miễn phí.

Cũng theo đại diện của VinBus, mẫu xe buýt điện được sử dụng phục vụ hành khách có hệ thống tự động kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn, xe có Wi-Fi, màn hình giải trí, sử dụng hệ thống thanh toán không tiền mặt, camera an ninh.

Ảnh: Qúy Hòa.
Ảnh: Qúy Hòa.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc đánh giá hiệu quả kinh tế của xe buýt điện so với xe buýt truyền thống phải cần thêm nhiều thời gian. Doanh nghiệp tham gia vận hành xe buýt điện trên tinh thần không vì mục đích kinh doanh hay lợi nhuận. Hiện nay, chi phí đầu tư cho một chiếc xe buýt điện lên tới 6,5 tỉ đồng/chiếc, cao hơn khoảng 2,3 lần so với xe buýt chạy khí nén tự nhiên (CNG). Tuy nhiên, mô hình xe buýt CNG cũng đang gặp nhiều thách thức khi giá nhiên liệu sạch tăng, mật độ trạm nạp khí thưa thớt, tốn thời gian nạp nên không hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư.

Về đơn giá vận hành, xe buýt điện có đơn giá vận hành dự tính là gần 27.000 đồng/km, xe buýt CNG là 24.224 đồng/km. Trong thời gian thí điểm, VinBus chấp nhận đơn giá 24.224 đồng/km để tính chi phí và xe buýt điện sẽ được trợ giá hơn 41% như tỉ lệ của xe buýt thông thường. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉ lệ này sẽ được điều chỉnh sau khi Ủy ban Nhân dân TP.HCM ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nhận định, để xe buýt điện thí điểm thành công và gia tăng tỉ lệ sử dụng xe buýt điện, các bên liên quan đang triển khai phương án thẻ vé điện tử. Trong tương lai, thẻ vé điện tử sẽ kết nối được tất cả các phương thức vận chuyển hành khách đường bộ, đường sắt, đường thủy. Các đơn vị quản lý cũng sẽ thực hiện những chính sách như giá vé liên thông, giá vé linh hoạt, vé ngày, vé tháng, vé quý, vé năm hay vé chủ nhật, vé cuối tuần, ngày lễ hoặc vé mùa xuân, vé mùa hè...

Ngoài xe buýt, thành phố cũng triển khai loại hình xe đạp công cộng, quy mô ban đầu khoảng 500 xe với nhiều vị trí kết nối thuận tiện. Các điểm để xe đạp thường gần các nhà ga tuyến Metro, bến xe buýt, tàu thủy để người dân tiếp cận, sử dụng thuận lợi. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, muốn giao thông công cộng phát triển tốt, bền vững thì cần phát triển nhiều loại hình bằng nhiều phương thức và cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, cho hay, việc đưa xe buýt điện vào hoạt động với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, đồng thời góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông xanh cũng là mục tiêu quan trọng của thành phố.

Còn theo các chuyên gia giao thông tại TP.HCM, giá xăng dầu tăng cao cũng là thời điểm phù hợp để người dân chuyển qua các phương tiện công cộng. Loại xe buýt điện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường và không ô nhiễm tiếng ồn sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới. Xe điện đang là xu hướng của toàn cầu và cả Việt Nam. Trong tương lai, phương tiện sử dụng xăng, dầu sẽ giảm đi đáng kể.