Xe bus dễ làm, khó xuất
Một mặt, Thaco bắt tay với Daimler (Đức) để thay thế Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) tham gia vào phân phối xe tải, xe bus thương hiệu Fuso. Mặt khác, Thaco ký kết với Mitsubishi Fuso hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối. Từ đây, Thaco sẽ sản xuất, lắp ráp xe tải Fuso, xe bus Rosa và sử dụng động cơ, cụm linh kiện chính yếu để sản xuất, lắp ráp các loại xe bus khác.
Tăng tốc đầu tư
Các ký kết hứa hẹn hỗ trợ cho Thaco trong tổ chức, vận hành nhà máy mới. Đây là nhà máy chuyên sản xuất xe bus và có thể đạt tới khả năng sản xuất 20.000 xe/năm. Thực tế, trước khi đưa vào hoạt động nhà máy này (ngày 8.12.2017), Thaco đã có 10 năm kinh nghiệm trong sản xuất, lắp ráp xe bus. Buổi ban đầu, Thaco sản xuất xe bus trên 1 dây chuyền (2006), kế đó là thành lập nhà máy riêng (2011). Hai năm sau, Thaco đã tự thiết kế và nâng tỉ lệ nội địa hóa của xe bus mang thương hiệu Thaco lên 50%. Đến nay, nhà máy Thaco Bus có quy mô và công nghệ hiện đại, với các dây chuyền tự động và robot tự vận hành.
Ở góc độ đầu ra, theo thông tin Công ty, tính đến thời điểm hiện tại, Thaco đã cung cấp ra thị trường hơn 14.000 xe bus các loại, chiếm 54% thị phần xe bus. Những công ty khác như Samco, Daewoo Bus, Công ty Ô tô 1/5, Transinco... nắm giữ thị phần còn lại.
Nhưng trước những cơ hội mới từ nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng gia tăng, khoảng 8%/năm và cánh cửa hội nhập quốc tế sẽ mở toang từ năm 2018, cả Thaco, Samco, Thành Công... đều có những hoạt động đầu tư mạnh mẽ.
Nếu Thaco đầu tư nhà máy hoành tráng cho riêng xe bus thì Thành Công mới đây đã bắt tay với Hyundai thành lập liên doanh Hyundai Thành Công (HTCV). Mục đích là để sản xuất lắp ráp và phân phối các dòng xe của Hyundai.
Với liên doanh này, Thành Công chính thức thay thế Trường Hải, trở thành đối tác độc quyền cho Hyundai ở Việt Nam. Đáng chú ý, sau 8 năm hiện diện trong phân khúc dòng xe du lịch, cái bắt tay với Thành Công đánh đấu bước tiến công sang cả mảng xe thương mại của Hyundai tại Việt Nam. Từ đây, bên cạnh sản xuất xe tải các loại, nhà máy HTCV sẽ sản xuất 12.000 xe khách, xe bus mỗi năm.
Về phần mình, Samco dồn lực cho mảng xe bus CNG (khí nén thiên nhiên). Đầu tư này dựa trên chủ trương đổi mới xe bus từ phía Ủy ban Nhân dân. Cụ thể, trong lộ trình 4 năm (2014-2017), TP.HCM có kế hoạch thay mới 1680 xe bus, chủ yếu bằng xe bus CNG. Đó là chưa tính đến số lượng đầu tư xe mới.
Tìm đường xuất khẩu
Samco, Thaco, Thành Công hay với Tata (Ấn Độ), Daimler (Đức)... sở dĩ quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho mảng xe bus là dựa trên triển vọng phát triển xe bus trong nước.
Riêng thị trường TP.HCM đã rất tiềm năng. Cụ thể, theo mục tiêu phấn đấu, TP.HCM đặt kế hoạch đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe bus sẽ đảm nhận 30% nhu cầu đi lại của người dân, thay vì chỉ đáp ứng khoảng 9-10% như hiện nay. Tính ra, trong khoảng 13 năm tới, riêng TP.HCM sẽ cần đầu tư thêm một lượng xe mới gấp 3-4 lần hiện tại. Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến tháng 5.2017, toàn thành phố có khoảng 3.000 xe bus hoạt động.
Nếu TP.HCM triển khai cấm toàn bộ xe máy ở các quận nội đô vào năm 2030 như chủ trương từng đề cập, thì phương tiện xe bus sẽ càng có cơ hội phát triển. Ngoài ra, các tỉnh thành khác như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… cũng có kế hoạch đẩy mạnh xe bus. Đây chính là động lực cho các công ty kinh doanh xe bus. Nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch hay trường học cũng có nhu cầu đầu tư xe bus. Đơn cử Kumho Samco Buslines hiện sở hữu trên 300 xe bus. Trong đó, riêng năm 2016, Kumho Samco Buslines đã mua của Thaco 50 xe bus giường nằm và vẫn có kế hoạch mua thêm xe cùng loại qua các năm.
Tuy nhiên, nhu cầu mua mới, cải tiến xe bus trong nước có thể sẽ ít hơn nguồn cung sản xuất, lắp ráp. Nếu hoạt động hết công suất, chỉ riêng nguồn xe bus đến từ các nhà máy của Thaco, HTCV ước lên tới 20.000-32.000 xe mỗi năm. Cộng số lượng xe của các đơn vị sản xuất khác, nguồn cung xe bus trong tương lai càng lớn. Đó là chưa tính đến nguồn xe nhập khẩu. Hiện tại, trong phân khúc xe bus tầm trung (từ 24-29 chỗ ngồi), thương hiệu County của Hyundai hầu như không có đối thủ. Còn với dòng xe bus Rosa của Fuso, dù mới ra mắt thị trường Việt Nam từ đầu tháng 5.2016 nhưng ở thời điểm ấy, theo đại diện Fuso, đơn đặt hàng đã lên tới 350 xe.
Đây có lẽ là lý do để cả HTCV, Thaco đều đặt mục tiêu xuất khẩu xe bus. Mục tiêu của HTCV làm sao đến cuối năm 2018, những lô xe đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang các nước lân cận. Xa hơn, HTCV sẽ vươn ra các khu vực khác trên toàn thế giới. Còn với Thaco, đích ngắm xuất khẩu cũng là thị trường Đông Nam Á. Ngay trong lễ khánh thành nhà máy Thaco Bus, Thaco đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 1.200 xe bus sang Thái Lan, Đài Loan, Philippines và Campuchia. Trước mắt, trong năm 2018, Thaco sẽ xuất đi 550 xe.
Thaco, HTCV đều muốn tận dụng những cơ hội từ một thị trường khu vực Đông Nam Á rộng lớn sau khi hiệp định ATIGA về gỡ bỏ hàng rào thuế quan có hiệu lực (từ năm 2018). Nhưng việc xuất khẩu xe bus của Việt Nam sang các nước ASEAN có thể sẽ không thuận lợi như dự tính.
Đơn cử ở Thái Lan, dù được mệnh danh là “công xưởng” của ngành công nghệ xe hơi khu vực nhưng mảng xe bus lại nhỏ hơn rất nhiều so với thị trường xe du lịch, xe khách. Theo báo cáo từ EIC, giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm, chỉ khoảng 1.500 xe bus mới được bán ra ở Thái Lan do người dân ngày càng chọn các hình thức di chuyển bằng tàu điện ngầm (MRT), tàu điện trên cao (BTS).
Trong đầu tư xe bus, Thái Lan chuộng cách thức đầu tư xe bus đã qua sử dụng do giá rẻ hơn đáng kể (chỉ 0,3-3 triệu baht trong khi xe mới là 5-10 triệu baht). Xe bus được Thái Lan nhập nhiều nhất là xe Trung Quốc (chiếm hơn 50% thị phần), kế đó là xe nhập từ châu Âu, Nhật...
Phân tích của Ipsos Business Consulting chỉ ra rằng, Đông Nam Á không chỉ là thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 5 thế giới mà còn là trung tâm sản xuất ô tô toàn cầu. Nghĩa là ở thị trường này, ô tô Việt Nam muốn “xuất quân” không chỉ đối đầu với những đối thủ đến từ Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc mà còn phải cạnh tranh với những tên tuổi bản địa.
Chẳng hạn, ở Malaysia, xe Proton phổ biến như Honda của Việt Nam. Xe Proton cũng đã bán tại 10 quốc gia, trong đó đa phần thuộc khu vực châu Á.
Ở góc độ thị trường, Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ôtô tiềm năng nhất thế giới, với tỉ lệ sở hữu ô tô hiện còn rất thấp, chỉ đạt 23 xe/1.000 dân, trong khi tỉ lệ tương đương tại Thái Lan là 204/1.000 dân và tối thiểu là 400/1.000 dân tại các nước phát triển, riêng tại Mỹ là 790/1.000 dân. Cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt ngưỡng 3.000 USD/năm vào 2020 là lý do quan trọng sẽ làm bùng nổ nhu cầu sở hữu ô tô tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu đây là cơ hội cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô như Vingroup thì lại là bài toán khó cho những doanh nghiệp lắp ráp xe bus như Thaco. Nhất là khi ngành ôtô vẫn dừng ở giai đoạn nhập khẩu và lắp ráp với tỉ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp hỗ trợ thô sơ, chi phí cao hơn Thái Lan, Malaysia.