Xây sân bay Long Thành: Tiếp tục rà soát có giảm vốn nữa không?
Báo cáo trước phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 26/2, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, qua rà soát cho thấy tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 5.236 triệu USD, giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội với cơ cấu vốn là: ODA 1.389,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn NSNN 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... 3.268,8 triệu USD (62,42%).
Cho rằng, đây có thể chưa phải là con số cuối cùng của dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư của toàn bộ Dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công. Chỉ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Chính phủ phải rà soát kỹ các hạng mục, mức vốn đầu tư. “Chắc chắn khi đưa ra Quốc hội, Chính phủ phải trả lời câu hỏi phần giảm này là vào những nội dung nào? Tại sao lần đầu trình Quốc hội mức vốn lại rất cao, tiếp tục lần này rà soát nữa có giảm nữa không?” – bà Kim Ngân đặt câu hỏi.
Đưa ra hàng loạt câu hỏi lớn với dự án này, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách nói: Đây là sân bay quốc tế, sân bay trung chuyển thì trung chuyển cho 3 nước: Philippines, Indonesia Australia. Nhưng vị trí này đối với Philippines và Indonesia lại quá gần nên chỉ trung chuyển được cho Australia thôi. “Như vậy, mục tiêu đặt ra là trung chuyển 3 nước nhưng cuối cùng lại chỉ được 1 nước thôi. Vậy vai trò trung chuyển của sân bay này ở đâu? Nội địa chỉ chiếm 20%, vậy khi hoàn thành 3 giai đoạn có được 100 triệu lượt hành khách không?” – ông Phùng Quốc Hiển chất vấn.
Ngoài ra, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chính phủ cũng cần tính tới trật tự ưu tiên đầu tư trong điều kiện vốn liếng nước ta rất khó khăn. Trong các lĩnh vực thì giao thông luôn được ưu tiên nhưng trong giao thông cũng cần trật tự ưu tiên. Ví dụ, cao tốc Bắc-Nam chỉ làm được một số đoạn, nếu không làm được cao tốc Bắc Nam thì khó có thể công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đường sắt cũ kỹ hàng trăm năm bây giờ có đầu tư không? Còn các tuyến đường thủy, đường hàng không… thì sao? Đặt trong bối cảnh đó thì chúng ta phải lựa chọn công trình nào cần ngay lập tức phải làm, công trình nào để giai đoạn sau.
Câu hỏi về vốn, cơ chế đầu tư tiếp tục được vị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đặt ra: “Cơ chế tài chính nào cho việc đầu tư dự án này, dù các đồng chí Bộ Tài chính nói là tốt rồi”.
Ông Phùng Quốc Hiển nói thêm: Cơ chế tài chính là cấp vốn không hoàn lại với ngân sách không tập trung hay cấp vốn như cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Hay vốn ODA bây giờ vay về cho vay lại hay cấp. Trong các báo cáo đề cấp đến các khoản ngoài ngân sách. Vậy trong những khoản này có khoản nào Chính phủ bảo lãnh không? Bộ GTVT báo cáo vốn ngân sách tập trung 12.000 tỉ đồng, vốn ODA, vốn trái phiếu. “Cơ chế này là cơ chế nào? Quản lý thu hồi vốn như thế nào vẫn chưa được làm rõ” – ông Hiển khẳng định.
Theo ý kiến của ông Phùng Quốc Hiển, xét cho cùng thì chúng ta vẫn dùng tiền ngân sách. Giai đoạn 1 sử dụng 100.000 tỉ, vốn ngân sách 12.000 tỷ; vốn ODA cũng là ngân sách, PPP cũng là ngân sách. “Như vậy, tính toán sơ sơ thì trong 100.000 tỷ thì ngân sách là 40.100 tỉ đồng. Chưa kể nếu làm rõ 60.000 tỉ thì ngân sách còn bao nhiêu. Đây mới chỉ là giai đoạn 1 thôi (5 tỷ USD), còn cả 3 giai đoạn thì ngân sách là bao nhiêu. Đã dùng đến ngân sách thì liên quan đến các vấn đề về nợ công, vì còn vay để bù đắp bội chi, vay về cho vay lại, vay để bảo lãnh”.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý thêm là chúng ta không chỉ có sân bay Long Thành mà còn cả các dự án khác của ngành giao thông, ảnh hưởng đến nợ công và hàng loạt các dự án khác như dự án điện hạt nhân.
Vấn đề cuối cùng là hiệu quả dự án, khả năng thu hồi vốn như thế nào là điều phải tính đến. Khi hoàn thành 3 giai đoạn dự án sân bay Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ như thế nào? Chỉ là nội địa thôi hay là cả sân bay quân sự hay là lưỡng dụng?
Vùng tái định cư đẹp như khu 5 sao
Cũng trong phiên họp sáng nay, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định việc tách Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân có đất thu hồi thành dự án riêng và giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện.
Bày tỏ sự băn khoăn về công tác tái định cư, ông Ksor Phước - Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Quốc hội đề nghị phải tính toán kỹ để đảm bảo đời sống dân cư vùng di dời phục vụ dự án.
Cùng chung băn khoăn này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị việc di dân tái định cư phải là đề án riêng. Cũng cần cân nhắc kỹ, nếu dự án này thoát ly khỏi vai trò Chính phủ giao cho các địa phương thực hiện thì sẽ như thế nào? Dự án thủy điện Hòa Bình, Sơn La đến nay còn chưa thoát ly được sự chỉ đạo của Chính phủ. “Chúng ta không chủ quan được vấn đề này, vì liên quan đến đất đai là vấn đề lớn, nhạy cảm” – bà Tòng Thị Phóng nói.
Giải trình làm rõ thêm các vấn đề mà các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đưa ra, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết: Chính phủ đã tính đến vấn đề việc làm, số người tái định cư, tỷ lệ lao động. “Khu tái định cư được rất đẹp, như khu khách sạn 5 sao. Chúng tôi cũng đang cho rà soát lại để điều chỉnh phù hợp với các dự án chung của cả nước” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ cơ chế tài chính cho dự án cả phần ngân sách, trái phiếu, ODA, PPP… Xác định ngân sách tham gia tổng thể tối đa là bao nhiêu và giảm bao nhiêu nếu huy động được các nguồn khác,t ác động nợ công bao nhiêu.., tính toán hiệu quả kinh tế xã hội của dự án sau khi đã giảm mức đầu tư. Ngoài ra, cũng cần sớm có báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án.
“Chính sách tái định cư gồm đất ở và sản xuất phải đặc biệt quan tâm. Nếu không có đất sản xuất thì sinh kế thế nào cho thuyết phục.” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói./.
Nguồn VOV