Xây nhà máy mới, Dohaco sẽ cưỡi sóng?
Sau gần 1 năm trì hoãn, việc khởi công nhà máy giấy kraft Giao Long giai đoạn 2 một lần nữa lại được đề cập trong Đại hội đồng cổ đông mới đây của Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (Dohaco). Lần này, kế hoạch cho Giao Long 2 đã có những điều chỉnh. Thay vì chỉ mở thêm nhà máy mới với công suất gấp 3 lần nhà máy cũ, Dohaco quyết định nâng tổng công suất sản xuất giấy ở Giao Long lên cao hơn. Ngoài ra, Công ty cũng đã thu xếp xong nguồn vốn cho dự án để có thể bắt đầu khởi công vào tháng 9 này và dự kiến hoàn thành nhà máy trong quý I/2018.
Ông Lê Bá Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dohaco, từng cho biết khi hoàn tất, nhà máy Giao Long giai đoạn 2 sẽ giúp Công ty gia tăng năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần và đóng góp lớn vào tăng trưởng trong dài hạn.
Dohaco hiện đứng thứ 4 ngành sản xuất giấy công nghiệp của Việt Nam. Nhưng nếu tính riêng các công ty trong nước, Dohaco chỉ đứng sau Công ty Giấy Sài Gòn. Vị thế này có thể sẽ khác, một khi tổng công suất sản xuất giấy kraft của Dohaco được nâng lên khoảng 260.000 tấn/năm, sánh ngang hàng với các “ông lớn” FDI như Vina Kraft, Nine Dragons. Cả 2 doanh nghiệp nước ngoài này cùng với Lee&Man đang theo đuổi những dự án đầu tư rất lớn, ước nâng năng lực sản xuất giấy kraft của nhóm FDI lên hàng triệu tấn mỗi năm. Đó là chưa tính đến nguồn giấy nhập khẩu dự đoán tăng lên khi thuế nhập khẩu giấy kraft sẽ giảm theo các hiệp định thương mại đã và sẽ được ký kết.
Dù vậy, điều thuận lợi cho Dohaco là Công ty hoạt động trong ngành có tốc độ tăng trưởng trung bình hai con số, theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam. Ngoài ra, ngành sản xuất giấy công nghiệp vẫn phải nhập khẩu 40% nhu cầu. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng ngành giấy công nghiệp vẫn trên 10%/năm và tình trạng cầu vượt cung sẽ tiếp diễn đến năm 2018. Điều này đồng nghĩa, cơ hội trong ngành giấy công nghiệp trải đều cho cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước.
Lợi thế cho Dohaco còn nằm ở địa bàn kinh doanh tập trung. Dohaco không chinh chiến trên nhiều trận địa mà chỉ đánh vào những khu vực Công ty hoạt động mạnh. Nếu xét riêng khu vực miền Tây, Công ty đang dẫn đầu.
Dohaco cho biết Công ty đã thiết lập được mối quan hệ làm ăn bền chặt với khách hàng, nhất là những khách hàng lớn, với đơn hàng từ 250 triệu đồng/tháng trở lên. Công ty cũng mở rộng thêm nhiều khách hàng mới, không còn lệ thuộc vào khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu như trước đây. Nhờ vậy, doanh thu 5 năm qua của Dohaco đều tăng mạnh với mức tăng trung bình 38%/năm.
Trên thực tế, sở dĩ Dohaco tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, xây dựng được mạng lưới khách hàng trung thành và được nhiều công ty lớn như Box Park Việt Nam, Nam An, Cát Phú, Vĩnh Xuân chọn sử dụng là vì sản phẩm giấy kraft của Dohaco đa dạng, thích hợp làm bao bì cho nhiều sản phẩm như thủy hải sản, dược phẩm, da giày, dệt may, thực phẩm... Ngoài ra, do có chất lượng tương đương trong khi giá bán rẻ hơn 3-5% so với giấy của Vina Kraft hay Chánh Dương, nên sản phẩm của Dohaco càng có lợi thế cạnh tranh.
Sản phẩm giấy kraft ở Dohaco cũng đã được cơ cấu lại. Nếu như trước đây, Dohaco chỉ tập trung vào phân khúc sản phẩm truyền thống là giấy medium thì nay Công ty đã tăng dần tỉ trọng giấy testliner. Giấy này phải dùng nguyên liệu là các thùng carton cũ (OCC) nhập khẩu từ Singapore , châu Âu và Úc. Bù lại, giấy testliner cho chất lượng cao, giá bán và biên lợi nhuận gộp cũng lần lượt cao hơn khoảng 9,6% và 17% so với giấy medium. Dohaco đã đạt được mục tiêu nâng tỉ lệ doanh thu giấy testliner lên 60% vào năm 2015.
Đối với sản phẩm bao bì carton, ông Lê Bá Phương cho biết Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh mặt hàng này. Bởi đây là sản phẩm mang lại biên lợi nhuận ròng khoảng 18%, cao nhất trong các sản phẩm của Dohaco. Trước mắt, Công ty đã đầu tư thêm nhiều máy in để nâng công suất nhà máy bao bì lên 25 triệu m2/năm cũng như đã tự sản xuất đáp ứng được 14-16% nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho bao bì carton. Mục tiêu năm 2016 trong mảng bao bì carton của Dohaco là tăng sản lượng, doanh thu lên khoảng 20%.
Về lâu dài, Dohaco có kế hoạch xây thêm nhà máy bao bì để tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, vì bao bì carton là ngành thu hút hơn 200 công ty tham gia sản xuất nên mặt hàng chủ lực của Dohaco vẫn là giấy kraft, chiếm hơn 71% tổng doanh thu năm 2015.
Giới phân tích còn đánh giá cao Dohaco về khả năng tính toán để tiết giảm chi phí. Chẳng hạn, từ năm 2013, nhận thấy nung trấu rẻ hơn nung than, Dohaco đã đầu tư hệ thống nung nhiên liệu trấu. Hay Dohaco đã nhập hệ thống motor của châu Âu thay thế cho Trung Quốc để giảm chi phí sử dụng điện xuống 10-15%. Các sáng kiến cũng đã giúp doanh nghiệp này tiết giảm chi phí sản xuất giấy kraft hơn 1,1 tỉ đồng năm 2015 và giảm hao hụt, hư hỏng ở nhà máy bao bì xuống còn khoảng 10,7% so với mức 12% của năm trước đó.
Xét về nợ, Dohaco có khoản nợ phải trả chưa tới 100 tỉ đồng, hiện chiếm 16,7% nguồn vốn và có xu hướng giảm theo thời gian. Tất cả nợ của Dohaco đều là nợ ngắn hạn và nợ vay chỉ chiếm phân nửa tổng nợ. Vì thế, chi phí lãi vay của Dohaco những năm qua chỉ khoảng vài tỉ đồng.
Nhà máy sản xuất giấy của Dohaco ở Bến Tre. Ảnh: baomoi.com |
Giai đoạn sắp tới, cơ cấu nợ vay của Dohaco sẽ tăng lên do Công ty dự kiến vay khoảng 500 tỉ đồng để tài trợ dự án nhà máy Giao Long giai đoạn 2. Tuy nhiên, xét tính hiệu quả trong đầu tư ở nhà máy Giao Long giai đoạn 1, việc vay nợ này không mấy đáng lo. Có thể thấy, kể từ năm 2013, tức hai năm sau khi đưa nhà máy Giao Long giai đoạn 1 đi vào hoạt động, Dohaco đã lãi trở lại. Đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục ấn tượng khi nhà máy này dần dần đạt đến công suất tối đa.
Hiện tại, biên lợi nhuận gộp, ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận/tài sản) của Dohaco đều vượt trội so với các công ty cùng ngành. Nếu thêm nhà máy Giao Long giai đoạn 2 đi vào hoạt động và đạt đến công suất 80-90%, hầu hết các công ty chứng khoán đều cho biết, tiềm năng cho Dohaco sẽ rất lớn. Doanh thu khi đó có thể sẽ gấp 2,5-3 lần hiện tại. Đây có lẽ là lý do để cổ phiếu DHC của Dohaco từ năm 2014 luôn trong xu thế tăng và đang tiến đến ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu.
Viết Nguyên