Viết Nguyên Thứ Bảy | 22/09/2018 09:31

Xây dựng Hòa Bình: Đem bê tông đóng xứ người

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình dự tính có mặt tại 8 quốc gia đến năm 2023.

Tính đường dài

Cách đây 7 năm, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã tiến ra nước ngoài, đóng góp vào sự thành công cho Công ty UOA (Malaysia) ở 2 dự án Le Yuan Residence va Desa Green Serviced Apartment. Tuy nhiên, phải đến gần đây, các thông tin về những bước đi toàn cầu hóa ở HBC mới được chia sẻ chi tiết hơn.

Theo ông Lê Viết Hiếu, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế của HBC, Công ty đã đặt chân vào thị trường Kuwait và Myanmar. Ở Myanmar, 5 năm trước, HBC đã tư vấn quản lý xây dựng cho GEMS Garden Condominium, một dự án nhà ở cao tầng do CDSG làm chủ đầu tư. HBC đã giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ thi công nhà cao tầng từ 19 ngày/sàn xuống còn 7 ngày/sàn. Hiện nay, HBC đã hợp tác với một nhà thầu nội địa để thành lập công ty xây dựng và đang tham gia dự thầu, sẽ triển khai thi công tập trung vào những công trình sở trường của HBC. 

Xay dung Hoa Binh: Dem be tong dong xu nguoi
 

Tại thị trường Kuwait, HBC hợp tác với Công ty Xây dựng United Gulf Construction Company (UGCC) để triển khai thi công những hạng mục bê tông cốt thép cho nhà máy lọc hóa dầu Al Zour Refinery Project.

Từ đây, HBC hy vọng sẽ có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng nguồn lực để tham gia vào các dự án liên doanh, tiến sâu hơn ở những nước lân cận tại Trung Đông.

Ngoài ra, HBC cũng mở rộng và phát triển thêm một số thị trường khác. Chẳng hạn như tại Dammam (Ả Rập Saudi), HBC đã ký hợp tác với chủ đầu tư và công ty địa phương làm tổng thầu gói thầu 3.000 căn hộ.

Ở thị trường Romania, HBC ký hợp tác liên doanh tổng thầu cùng Công ty BTD triển khai dự án nhà ở và văn phòng cho thuê, với tổng giá trị trên 100 triệu euro. Romania là thị trường phát triển mạnh các dự án nhà ở, trung cư và hạ tầng nhưng lại thiếu hụt lao động xây dựng. Vì thế, đây sẽ là cửa ngõ để HBC vươn ra các nước châu Âu khác.

Ngoài ra, trong tương lai không xa, HBC sẽ mở rộng hoạt động sang các thị trường như Mỹ, Canada, Úc - nơi nhu cầu nhà cao tầng cho dân nhập cư châu Á còn khá nhiều. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, chiến lược vươn ra nước ngoài là định hướng đúng đắn nhưng sẽ khiến HBC gặp khó khăn trong giai đoạn đầu.

Ông Lê Viết Hiếu thừa nhận, vì cần những kế hoạch dài hơi, bước đi cẩn trọng, kiểm soát rủi ro tài chính và pháp lý nên thời kỳ đầu, thị trường nước ngoài chưa thể đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận cho Công ty. Tuy nhiên, về lâu dài, phát triển thị trường quốc tế sẽ là bước đi mang lại nhiều giá trị.  Lấy ví dụ, “1m2 ở Việt Nam chỉ lời khoảng 10-20 USD nhưng ở nước ngoài thì con số này là hàng ngàn USD”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HBC, từng chia sẻ.

HBC cũng có nhiều lý do khác để đẩy mạnh thị trường quốc tế. Theo nghiên cứu của Construction Intelligence Center (CIC), thị trường xây dựng thế giới có trị giá ước tính lên hơn 10.000 tỉ USD sau năm 2020. Nếu Tập đoàn thành công trong việc quốc tế hóa, tiềm năng cho sự phát triển của doanh nghiệp sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

Khi HBC có mặt tại nhiều quốc gia, Công ty sẽ giảm thiểu rủi ro, đảm bảo nguồn thu cũng như công việc cho mình. Bởi vì, dù ngành xây dựng Việt Nam hiện tăng trưởng khoảng 8-9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế từ 1-2 điểm phần trăm, nhưng theo ghi nhận chung, ngành xây dựng đến một lúc nào đó sẽ bão hòa và cũng là ngành có chu kỳ kinh doanh lên xuống rõ rệt.

Xay dung Hoa Binh: Dem be tong dong xu nguoi
 

Lãnh đạo HBC cùng các nhà thầu Ả rập.

Có lợi thế cạnh tranh

HBC muốn đẩy mạnh thị trường quốc tế cũng vì tự tin vào thế mạnh dân số vàng và giá lao động còn rẻ của Việt Nam. “Chúng ta có khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao nhưng chi phí xây dựng lại rất thấp, chỉ sau Ấn Độ (thấp 2-3 lần, thậm chí 4 lần)”, ông Lê Viết Hải cho biết.

Ngoài ra, 30 năm làm ăn hợp tác với nhiều đơn vị xây dựng hàng đầu thế giới, tiếp cận những công nghệ tiên tiến... đã giúp HBC tự tin ở lợi thế cạnh tranh của mình tại những thị trường như Myanmar, Lào, Campuchia... Doanh nghiệp này cũng đang triển khai hệ thống e-learning, giúp đồng bộ hóa chất lượng ở tất cả các dự án của HBC.

Vươn ra quốc tế còn là cơ sở để HBC nâng cao vị thế và góp phần không nhỏ trong việc thắng thầu, trở thành tổng thầu của các siêu dự án tại Việt Nam. Nhưng mục đích cao hơn khi phát triển thị trường nước ngoài là HBC có thể phát triển đội ngũ nhân lực tinh nhuệ. Ra nước ngoài, HBC cũng góp phần đưa ngoại tệ về cho đất nước. 

Xay dung Hoa Binh: Dem be tong dong xu nguoi
 

Tuy nhiên, để thành công với chiến lược quốc tế hóa, “chúng ta cần tư duy đột phá, tạo cách mạng thực sự về năng suất cho ngành xây dựng”, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo chia sẻ của HBC, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết khi vươn ra quốc tế. Trong đó, cân bằng sử dụng nguồn lực giữa thị trường trong nước và quốc tế là rất quan trọng.

Đối với các thương vụ bắt tay hợp tác, HBC tìm kiếm những đối tác có uy tín nhiều năm trên thị trường và tích hợp về giá trị của đôi bên. Tùy tính chất thị trường, HBC sẽ chọn lựa cách thức hợp tác khác nhau. Chẳng hạn, tại Myanmar, nơi đi sau Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, phương thức hợp tác của HBC là joint operation hoặc joint venture với nhà thầu địa phương. Còn với thị trường Kuwait - nơi thiếu lao động xây dựng, trước mắt HBC đóng vai trò là nhà thầu nhân công, bước tiếp theo là tham gia tổng thầu. 

Trong chiến lược phát triển sắp tới, HBC dự tính có mặt tại 8 quốc gia đến năm 2023. Nếu không có những biến động lớn về kinh tế vĩ mô, HBC kỳ vọng doanh thu nước ngoài sẽ góp 10-20% vào tổng doanh thu  ước đạt 2 tỉ  USD vào năm 2021. Đặc biệt, HBC hướng tới phát triển đội ngũ quản lý cấp cao, có kinh nghiệm quốc tế để đáp ứng các đòi hỏi từ những dự án phức tạp tại nước ngoài.

Các đối tác của HBC gồm ngân hàng, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà đầu tư, nhà tư vấn... sẽ được HBC cân nhắc chọn lựa để liên kết liên doanh tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ khi Tập đoàn ra nước ngoài. HBC đang làm việc với Công ty Tư vấn McKinsey để đẩy nhanh chiến lược quốc tế hóa của mình.