Ảnh: Quý Hòa.

 
Hoàng Hạnh Thứ Hai | 11/03/2019 08:00

Xây dựng cứ điểm Nông - Công nghiệp

Nông nghiệp Việt Nam phải đi tìm chính mình để có thể góp sức nhiều hơn trong kỳ vọng tăng trưởng kinh tế.

Những nét phác thảo đầu tiên của bức tranh kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới đã bắt đầu được bàn thảo. Dường như các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đã không bỏ qua nhiều cảnh báo đáng buồn: nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình, bẫy giá trị thấp... nếu không có động lực tăng trưởng mới; gánh nặng nợ công có thể tăng gấp đôi so với 10 năm trước đó.

Vì thế, một kịch bản không dễ thực hiện là GDP trong giai đoạn này tăng liên tục 7,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030, từ đó, tăng gấp đôi mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã được trù tính. Có lẽ Việt Nam buộc phải bằng mọi cách thúc đẩy mục tiêu này thành hiện thực, thậm chí, phải tính tới những thách thức lớn hơn nữa. Bởi lẽ, dù đạt được mức tăng trưởng GDP màu nhiệm như trên, người Việt trung bình vẫn chỉ kiếm được khoảng 8.000 USD/năm, còn rất xa mới chạm mức thu nhập cao, trên 12.000 USD/năm.

Xay dung cu diem Nong - Cong nghiep
 

Không ngạc nhiên, nông nghiệp công nghệ cao được xác định như là một trụ cột quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế. Đường hướng này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ bởi theo tính toán của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh trong một nghiên cứu nhiều năm trước đây, những ngành có mức độ lan tỏa cao hơn các ngành khác đến nền kinh tế là những ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa, nhóm ngành nông nghiệp phải được đầu tư một cách xứng đáng.

Thành tích tăng trưởng GDP năm 2018 củng cố hơn nhận định này. Dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 3,76%, đóng góp của khu vực này vào mức tăng trưởng chung là 8,7%. Đặc biệt, hiện tại, dư địa tăng trưởng từ nhóm ngành nông nghiệp còn rất lớn. Điều này xuất phát từ một thực tế là tham vọng nước công nghiệp đã khiến chúng ta lơ là khu vực sản xuất mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế.
Xác định như vậy, lẽ đương nhiên, Việt Nam phải bắt đầu hình dung về những “cứ điểm nông - công nghiệp”, nơi quy trình sản xuất những sản phẩm nông nghiệp trọng điểm được đầu tư bài bản, khép kín từ giống, đi cùng công nghệ chăm sóc, công nghệ sau thu hoạch đến đóng gói tiêu thụ.

Xay dung cu diem Nong - Cong nghiep
 

Trước hết, đó là con đường tìm lại chính mình. Sẽ không chấm dứt những điệp khúc giải cứu dưa hấu, chuối, củ cải... hay thi thoảng lại có lô thủy sản xuất khẩu bị trả về vì quá dư lượng kháng sinh nếu việc sản xuất vẫn cứ manh mún, nhỏ lẻ, tạo ra các sản phẩm “thượng vàng hạ cám”. Nông sản Việt vẫn sẽ vô danh trên thị trường thế giới nếu những đặc sản như nhãn, vải, nước mắm, mì phở... chỉ đi được nước ngoài dưới nhãn mác doanh nghiệp Trung Quốc và Thái Lan.

Sự chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là cánh cửa duy nhất dẫn tới sự hội nhập sòng phẳng ở thị trường chung. Mặt khác, không thể nói tới việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến nông sản nếu không xây dựng được những vùng sản xuất tập trung như vậy.

Đến đây, câu hỏi cần tiếp tục đặt ra là chúng ta phải xây dựng những “cứ điểm nông - công nghiệp” này như thế nào? Mô hình trang trại, hợp tác xã cung ứng hàng hóa trực tiếp cho chuỗi siêu thị như một vài đại gia trong lĩnh vực bán lẻ Việt đang khó có thể áp dụng. Đã là nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phải có quy mô lớn nhất định để giá thành có sức cạnh tranh. Định hướng về sản phẩm chủ lực có thể đến từ những giấc mơ tỉ đô của con tôm, cây cà phê, cao su, hạt điều... nhưng chỉ như vậy có lẽ vẫn chưa đủ. Dẫu thay đổi được phận xuất khẩu thô, tìm lại chỗ đứng trên thị trường đã tự mình đánh mất không thể là việc dễ dàng.

Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, gợi ý về cách làm của người Nhật. Trước khi bắt tay vào sản xuất, họ đã biết phải tạo ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nào, thị trường tiêu thụ ở đâu, mức giá dự kiến và doanh nghiệp chịu trách nhiệm tiêu thụ thế nào... Nếu không làm như vậy, khó có thể đạt tới nông nghiệp phát triển cao. “Phải từng bước từ bỏ mô hình kinh tế hộ không còn phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế hiện tại. Cũng không nên gửi gắm nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp cho khối quốc doanh. Doanh nghiệp tư nhân phải là chủ đạo và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tư nhân trong các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp hiện đại”, ông Nam tư vấn.

Tất nhiên không thể đòi hỏi Việt Nam chỉ cần vài bước đi tắt đã có thể đón đầu trình độ sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Đường dài vẫn phải đi từng bước một nhưng có lẽ phải bước nhanh hơn.