Xấu như... nợ xấu
Cũng đã khá lâu rồi, kể từ khi Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời, những nhận định về viễn cảnh nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam mới dõng dạc và tự tin đến vậy. Hơn 600.000 tỉ đồng nợ xấu bỗng dưng được coi như một nguồn lực còn đang bị bỏ phí. Nếu chúng được xử lý trong 5 năm, như người ta từng đặt kỳ vọng vào VAMC, mỗi năm sẽ có 120.000 tỉ đồng đưa vào lưu thông. Tưởng như, người ta đã tìm ra cây đũa thần, phủi sạch những vết nhơ xấu xí của nợ xấu, trả nó về với giá trị ban đầu. Có điều, bài toán kinh tế không đơn giản như vậy.
Nợ xấu đang ở đâu?
Lạc quan là điều rất cần thiết với bất cứ chủ thể kinh tế nào, để họ có thể bình tĩnh đối diện và xử lý một cách sáng suốt vấn đề đang gặp phải. Thế nhưng, nếu chỉ nhìn vấn đề dưới lớp sương mù hồng nhạt, sự lạc quan nói trên có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường. Có lẽ, đó là lý do khiến cho những chuyên gia kinh tế như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, chưa bao giờ hết lo ngại về thực trạng nợ xấu Việt Nam, ngay từ khi VAMC được ra đời với biết bao kỳ vọng.
Câu hỏi đầu tiên mà vị chuyên gia đặt ngược lại với NCĐT khi trao đổi về vấn đề này là: "Nợ xấu là gì?". Rồi ông tự trả lời, đó là nợ không thanh toán được, hay nói cách khác, tín dụng nhàn rỗi và tín dụng đầu tư đã được sử dụng không hiệu quả, ngoài việc không sinh ra được lợi nhuận để trả lợi tức cho người gửi tiền và người đầu tư còn gây ra tình trạng mất một phần hoặc toàn bộ số vốn ban đầu. Nói cách khác, nguồn lực tín dụng, dòng máu của doanh nghiệp đã được phân bổ sai địa chỉ. Đối với một nền kinh tế lành mạnh, cây gậy thị trường và cây gậy chính sách sẽ ngay lập tức điều chỉnh lại để dòng tiền đi đúng hướng. Nếu sự lệch lạc kéo dài nhiều năm mà nợ xấu vẫn tiếp tục phát sinh, đó là biểu hiện của một nền kinh tế không bình thường.
Vậy vấn đề của Việt Nam phải được hiểu như thế nào? Theo nhận định của ông Lê Cao Đoàn, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp có rất nhiều nợ xấu vẫn hiên ngang tồn tại. Sự phi lý được đẩy tới cao điểm khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn đề nghị cho phép lùi cổ phần hóa Đạm Ninh Bình cho đến khi dự án lỗ cả ngàn tỉ đồng và thậm chí đã phải ngừng sản xuất... có lãi.
"Doanh nghiệp có nợ xấu vẫn được cứu chữa để tiếp tục tồn tại và tiêu tiền, nghĩa là tiếp tục sản sinh ra thêm các khoản nợ xấu hơn. Họ trở thành những lực lượng chiếm dụng nguồn lực quốc gia. Đây là hệ quả của nền kinh tế có hai bộ phận, thị trường và phi thị trường, trong đó ưu thế rất tiếc lại nằm về khu vực phi thị trường’’, vị chuyên gia nói.
Nhận định của vị chuyên gia giúp làm sáng tỏ hơn câu hỏi “Bộ phận kinh tế nào là nguyên nhân gây ra nợ xấu?”. Trả lời tại cuộc họp báo chính thức ngày 17.5.2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, nợ xấu nằm ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp. Gần 1 tháng sau, khi phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lại nói trong số tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC thì nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 6,3% tổng dư nợ.
Những nhận định dường như không hoàn toàn thống nhất nói trên vẫn chứng tỏ sự thật, doanh nghiệp gây ra nợ xấu là những doanh nghiệp tư nhân lớn và doanh nghiệp nhà nước. Khi sự giàu lên nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp dựa chủ yếu vào việc khai thác những lợi thế về đất đai, tài nguyên... với đầy những nghi ngờ về lợi ích nhóm, doanh nghiệp thân hữu, nhận định của vị chuyên gia là rất đáng suy ngẫm.
Vị chuyên gia nhấn mạnh thêm: ‘’Không có ngân hàng nào cho những doanh nghiệp vay để làm ăn thua lỗ cả. Thực trạng đang diễn ra khiến người ta buộc phải nghi ngờ có cả chuyện móc nối, thỏa hiệp, khiến những khoản nợ xấu phát sinh thêm và ngày càng xấu hơn’’.
Cục chì đổi viên kim cương
Một vấn đề cũng cần được làm rõ là kỳ vọng thu 600.000 tỉ đồng từ việc xử lý nợ xấu. Con số này thể hiện giá trị trên sổ sách cả các khoản nợ xấu, cho nên, rất dễ hiểu, khi bán theo giá thị trường, giá trị chắc chắn sẽ giảm đi. Đó là chưa kể những khoản nợ do VAMC nắm giữ mà chưa xử lý được lên tới hơn 300.000 tỉ đồng và một lượng không nhỏ trong đó là nợ thuộc nhóm 5, khó có khả năng thu hồi. Dù có tái hiện câu chuyện cổ tích cục chì đổi viên kim cương thì cũng khó có khả năng việc xử lý nợ xấu sẽ giúp thu lại số tiền đúng như giá trị sổ sách.
Từ những phân tích trên, ông Lê Cao Đoàn cho rằng, Việt Nam phải suy nghĩ rất kỹ về cách thức vận hành của dòng tín dụng. Gói nợ xấu lại để thoát được nợ và để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh hay đưa ra những biện pháp kỹ thuật để xử lý các thứ tài sản liên quan tới nợ xấu sẽ không thể chặn được vòng xoáy nguy hiểm của nợ xấu. Việc đầu tiên cần làm, theo vị chuyên gia, là phải xử lý kiên quyết và dứt điểm những tồn tại ở các doanh nghiệp nhà nước. Cuộc tái cấu trúc nền kinh tế phải tạo ra một nền kinh tế thị trường lành mạnh thật sự và chúng ta cũng không còn nhiều thời gian để chần chừ.
Thêm nữa, theo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2017 từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53%, cao hơn cùng kỳ các năm trước (năm 2016 đạt 5%, năm 2015 đạt 4%). Đây được coi là điều bất thường trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế Việt Nam, khi tính trung bình trong quý I/2017, 10 doanh nghiệp thành lập thì có tới 9 doanh nghiệp phá sản. Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề đẩy tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng đã được đặt ra và bàn luận, nghĩa là nguy cơ dòng tiền không đổ vào đúng địa chỉ cần phải được tính đến.
Quan trọng hơn, nếu tín dụng tăng trưởng nóng mà không đổ vào sản xuất sẽ khiến doanh nghiệp đã khó càng khó hơn vì sẽ phải vay với lãi suất rất cao. Không thể để doanh nghiệp phải lựa chọn vay lãi suất cao để tồn tại hay chết, như điều đã từng xảy ra trong cuộc chạy đua lãi suất huy động những năm 2010-2012. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm trên là dấu mốc cho chuỗi phá sản hàng loạt của doanh nghiệp Việt. Kịch bản này nhất thiết không được lặp lại.
Phải nhắc lại thông tin tại diễn đàn Quốc hội, một vị đại biểu đến từ một ngân hàng lớn đã thông báo, trong số nợ xấu khổng lồ nói trên, số tiền của ngân hàng thực chất chỉ có 10%, 90% còn lại là tiền của dân. Quả thật, xử lý nợ xấu không chỉ là để bảo vệ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính người dân. Và nếu không làm được, hậu quả là gì ai cũng có thể hình dung.
Hoàng Hạnh