Kết quả kinh doanh của Petrolimex phần nào cho thấy mức độ khó khăn của ngành giai đoạn 2020-2023. Ảnh: nguoiduatin.vn.

 
Hà Minh Thứ Hai | 29/07/2024 09:00

Xăng dầu thoát khó

Liệu những thay đổi trong Dự thảo 3 có tháo gỡ được khó khăn cho ngành kinh doanh xăng dầu cũng như doanh nghiệp đầu ngành là Petrolimex?

Bản Dự thảo 3 Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào ngày 27/6/2024. Liệu sự thay đổi trong dự thảo lần này có tháo gỡ được khó khăn cho ngành kinh doanh xăng dầu cũng như doanh nghiệp đầu ngành là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)?

Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu (trừ nhà máy lọc dầu) được phân loại thành 3 nhóm: thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ. Ngoài ra, thương nhân đầu mối có thể có kênh phân phối, bán lẻ riêng. 2 thương nhân đầu mối có kênh phân phối và bán lẻ lớn nhất Việt Nam chính là Petrolimex và PV Oil. Trong đó, Petrolimex dẫn đầu với 51% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa cùng 5.500 cửa hàng trên toàn quốc. PV Oil xếp thứ 2 với thị phần 18% cùng 700 cửa hàng trực thuộc.

Nhưng 2 doanh nghiệp này cũng “khó thở” trước khó khăn chung của ngành kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn 2020-2023. Nếu như năm 2020-2021, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã khiến sản lượng kinh doanh xăng dầu toàn ngành sụt giảm thì đến năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước. Cũng trong năm 2022, trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nghi Sơn, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu, nhưng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, trong khi chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành, khiến doanh nghiệp lỗ lớn. Sang năm 2023, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do thiếu nguồn cung và chiết khấu không đáng kể, có những thời điểm chiết khấu âm khiến không ít đơn vị phải rời bỏ ngành.

Kết quả kinh doanh của Petrolimex phần nào cho thấy mức độ khó khăn của ngành giai đoạn 2020-2023. Sở hữu lợi thế kinh doanh lớn từ hệ thống cửa hàng lớn nhất nước cùng khả tăng tối ưu hóa chi phí cao, Petrolimex cũng bị sụt giảm về lợi nhuận trong giai đoạn 2020-2023. Nếu như trong giai đoạn 2016-2019, lợi nhuận của Petrolimex luôn ổn định trên mức 3.500 tỉ đồng/năm thì sang giai đoạn 2020-2023, mức lợi nhuận cao nhất là khoảng 2.800 tỉ đồng vào năm 2021 và 2023, trong khi năm 2020 còn chưa đạt được 1.000 tỉ đồng lợi nhuận, mức rất thấp với quy mô của một doanh nghiệp đầu ngành như Petrolimex.

Đó là lý do Dự thảo 3 Nghị định về kinh doanh xăng dầu, với một số điểm thay đổi chính so với Dự thảo 2, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Cơ sở cho kỳ vọng này là Dự thảo 3 đã hướng tới việc phản ánh sát sao hơn chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thông qua việc giảm thời gian điều hành của một số khoản mục trong công thức giá bán tối đa, từ đó theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và các chi phí vận tải, bốc dỡ, hao hụt liên quan.

Dự thảo này cũng đơn giản hóa quá trình tính toán giá xăng dầu bán lẻ khi không còn quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trên thực tế, việc duy trì và quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã gặp nhiều bất hợp lý trong thời gian qua khi một số thời điểm, Quỹ bị âm khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến với biên độ lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các thương nhân; đồng thời, một số doanh nghiệp đã lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Việc biến động giá thực tế giữa kỳ điều hành giá xăng dầu bán lẻ hiện tại (7 ngày/lần) không phải quá lớn, ngoài ra vẫn có nhiều công cụ bình ổn giá khác ngoài sử dụng Quỹ, do đó việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là không quá cần thiết. 

“Điểm mới là Quỹ Bình ổn giá sẽ không sử dụng thường xuyên. Khi giá xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Công ty Chứng khoán MBS cũng kỳ vọng những điểm thay đổi chính trong Dự thảo 3 sẽ hỗ trợ nhiều nhất cho các thương nhân đầu mối xăng dầu có thị phần lớn với khả năng kiểm soát tốt chi phí đầu vào như Petrolimex và PV Oil. Đặc biệt, Petrolimex sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước gia tăng, nhờ thị phần lớn và mạng lưới cửa hàng rộng khắp. 

Thị trường tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam vẫn có dư địa tăng trưởng trong trung hạn khi dân số được dự báo tiếp tục tăng ít nhất đến năm 2030, tỉ trọng dân số thuộc tầng lớp thu nhập trung bình và cao tại Việt Nam (thu nhập dao động lần lượt ở mức 11-30 USD/ngày và 30-70 USD/ngày) được kỳ vọng liên tục gia tăng từ nay đến năm 2030, thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô nói chung và tiêu thụ xăng dầu nói riêng. Doanh số bán ô tô toàn thị trường có thể phục hồi kể từ quý IV/2024 khi nền kinh tế khởi sắc, từ đó hỗ trợ một phần nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa.

Cùng với nhu cầu cải thiện, giá dầu sẽ duy trì ổn định ở mức cao và không có biến động lớn trong giai đoạn 2024-2025 nhờ nguồn cung dầu thô tiếp tục thắt chặt trong giai đoạn này trước nỗ lực của khối OPEC nhằm đảm bảo giá dầu và nhu cầu tăng trưởng tại những khu vực chính như Trung Quốc và Mỹ khi nền kinh tế đang dần hồi phục. Giá dầu ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Petrolimex giảm tỉ lệ trích lập giảm giá hàng tồn kho, từ đó hỗ trợ phần nào việc tăng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

MBS dự báo lợi nhuận của Petrolimex có thể tăng 16,4% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ sản lượng xăng dầu tiêu thụ dự kiến tăng 4,1% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp năm 2024 tăng 10 điểm cơ bản so với năm 2023 nhờ chủ động nguồn cung hơn khi việc nhà máy lọc dầu Bình Sơn đi vào bảo dưỡng đã được lên kế hoạch trước.