Thứ Năm | 09/06/2016 10:33

Xăng dầu Dung Quất chưa được phép xuất khẩu

Doanh nghiệp đầu mối ồ ạt nhập xăng dầu từ các thị trường ưu đãi thuế, giảm lượng mua từ Dung Quất nhưng nhà máy này cũng chưa được phép xuất khẩu.

Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn về việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Cơ quan quản lý cho biết, sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất đã được đưa vào cân đối cung cầu xăng dầu hằng năm, do đó phải được ưu tiên tiêu thụ tại thị trường nội địa, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nước ngoài, tiết kiệm ngoại tệ, góp phần kiềm chế nhập siêu.

Xang dau Dung Quat chua duoc phep xuat khau

Nhà máy Dung Quất đứng trước nhiều khó khăn

Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Bình Sơn tiếp tục tích cực đàm phán với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để bán tối đa sản phẩm phục vụ tiêu thụ, pha chế trong nước. Đồng thời, Bình Sơn cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy Dung Quất để tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của nhà máy.

Về phía mình, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, chính sách thuế, tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của Dung Quất, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nội địa tối đa sản phẩm của nhà máy.

​"Trong trường hợp tình hình tiêu thụ nội địa khó khăn, tồn kho sản phẩm có nguy cơ vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn vận hành của nhà máy thì mới xem xét đến phương án xuất khẩu”, Bộ cho biết.

Trước đó, dù được Nhà nước cho giữ lại phần tiền tương đương 3-7% thuế nhập khẩu xăng dầu nhưng Dung Quất vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được vì giá thành cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN. Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Thanh Mễ, Petimex… đều giảm mua từ nhà máy này (cũng như giảm nhập khẩu từ Trung Quốc). Một trong những nguyên nhân là từ đầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức đối với Dung Quất vẫn là 20% và 5%.

Hiện phía Bình Sơn đã phải giảm giá bán đối với xăng dầu 1-2 USD một thùng, song vẫn khó tiêu thụ vì chênh lệch nhiều so với nhập từ ASEAN, Hàn Quốc.

Mới đây, Bộ Tài Chính cho biết đang kiến nghị Thủ tướng chỉ thu điều tiết tương đương thuế nhập khẩu 10% đối với Bình Sơn (hiện đang ở mức 20%) và tự quyết định giá bán sản phẩm để cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập.

Trong những năm qua, giá xăng dầu ở Việt Nam luôn ở mức thấp hơn so với một số nước như Thái Lan, Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản... vì không cạnh tranh được với xăng dầu trong nước nên Dung Quất muốn tận dụng mức giảm ưu đãi thuế quan hướng ra xuất khẩu để giải quyết khó khăn của nhà máy.

Nguồn VnExpress