Xác minh rõ nguồn tiền khi có sở hữu chéo trong ngân hàng
Đây là nội dung liên quan đến câu hỏi của đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng),được Ngân hàng Nhà nước tập hợp và công bố chi tiết.
Ở nội dung chất vấn này, đại biểu Nghĩa cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến phản ánh vấn đề sở hữu chéo và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng ngày càng nóng hơn, nhất là khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bởi vì, không ít nợ xấu ở một số ngân hàng thuộc về chính “các ông chủ” ngân hàng, hay nói cách khác chủ nợ và con nợ được tích hợp “trong một chủ thể”. Các ông chủ này có đủ quyền lực để biến nợ xấu ngắn hạn thành nợ xấu trung, dài hạn.
“Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết phản ánh trên có đúng thực tế không? Nếu đúng thì việc kiểm tra, xử lý vấn đề trên như thế nào trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới để tạo tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng? Thống đốc có những quy định gì mang tính đột phá để hạn chế tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng”, đại biểu Nghĩa chất vấn.
Theo văn bản trả lời vừa công bố, Ngân hàng Nhà nước xác định xử lý sở hữu chéo là cần thiết, tất yếu, góp phần bảo đảm cho hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh và minh bạch; phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và hệ thống; hạn chế tối đa tác động tiêu cực của sở hữu chéo tới an toàn hoạt động ngân hàng.
Ngoài việc ban hành theo hướng siết chặt về khuôn khổ pháp lý, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã và đang từng bước xử lý vấn đề trên qua công tác thanh tra và tái cơ cấu hệ thống.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu vốn điều lệ, việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phiếu, việc cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan.
Qua công tác thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu, chuyển nhượng cổ phần và cấp tín dụng dẫn đến tổn thất, nợ xấu lớn cho ngân hàng; yêu cầu cổ đông và người có liên quan sở hữu vốn điều lệ vượt quá giới hạn quy định phải thoái vốn về mức quy định; tổ chức tín dụng cho vay cổ đông và người có liên quan vượt quá giới hạn quy định phải thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, kể cả việc yêu cầu bán cổ phần, bán tài sản để trả nợ cho ngân hàng.
Cơ quan thanh tra triển khai cơ chế giám sát chặt chẽ các cổ đông, việc chấp hành giới hạn sở hữu cổ phần và quan hệ tín dụng của cổ đông, người có liên quan với tổ chức tín dụng. Định kỳ xem xét, đánh giá thực trạng cơ cấu sở hữu vốn điều lệ và mức độ ảnh hưởng cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn và người có liên quan của các cổ đông lớn đối với quản trị, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban Chứng khoán theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phiếu của các tổ chức tín dụng trên thị trường chứng khoán. Đồng thời giám sát chặt chẽ các khoản cho vay đối với các nhà đầu tư có giao dịch lớn cổ phiếu để hạn chế việc cho vay, tài trợ lớn các giao dịch mua bán cổ phiếu gây tác động bất lợi tới thị trường chứng khoán và rủi ro của ngân hàng.
Về tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại, trong đó đề xuất các giải pháp, lộ trình xử lý các vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo, thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, kém hiệu quả; kết hợp với lộ trình thoái vốn góp, vốn cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước tại tổ chức tín dụng đến năm 2015.
Đặc biệt, đối với cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn góp từ các cổ đông cũ tại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, vốn huy động từ chính tổ chức tín dụng đó hoặc các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thêm các biện pháp xác minh nguồn tiền hợp pháp của cổ đông mới.
Đối với việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án cho phép một số nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia làm cổ đông để giúp tự chấn chỉnh, củng cố, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tiến hành thận trọng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và các giải pháp tái cơ cấu theo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước, quyền lợi của người gửi tiền, an toàn hệ thống và của từng ngân hàng thương mại.
Theo đó, để được Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt việc các nhà đầu tư mới tham gia cơ cấu ngân hàng, phương án cơ cấu lại của mỗi tổ chức tín dụng phải phản ánh đúng thực trạng tổ chức, hoạt động, tài chính, các tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến sở hữu cổ phần, chi phối của các cổ đông/nhóm cổ đông lớn... và phải đưa ra các giải pháp để xử lý các vấn đề này; việc mua lại cổ phần, tham gia góp vốn của các nhà đầu tư mới phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giới hạn sở hữu cổ phần và phải sử dụng nguồn vốn tự có, không sử dụng vốn đi vay, vốn ủy thác.
“Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ việc tổ chức tín dụng thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và việc các nhà đầu tư mới góp vốn vào tổ chức tín dụng theo đúng quy định. Do vậy, các phương án tái cơ cấu cũng như sự tham gia của các nhà đầu tư mới sẽ không làm gia tăng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng”, văn bản trả lời chất vấn nêu khẳng định.
Đối với các tổ chức tín dụng được sở hữu bởi cùng một hoặc một nhóm cổ đông, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện sáp nhập, hợp nhất lại với nhau để vừa xử lý vấn đề sở hữu chéo, tránh sự liên thông vốn giữa các tổ chức tín dụng, vừa xử lý những vấn đề yếu kém, vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng đó.
Nguồn Theo DVO