“Xả hàng” IPO doanh nghiệp nhà nước
Ảnh: Trường Nikon |
Đang có một nghịch lý diễn ra giữa thực trạng kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty này. Thông thường, trước khi “đem trâu ra chợ” để bán, “trâu” phải được chăm cho béo tốt mới mong đạt được giá bán cao. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện tại, việc tấp nập cổ phần hóa trong tình trạng doanh nghiệp “teo tóp” cũng chẳng khác nào việc xả hàng ế cuối năm.
Theo báo cáo của Chính phủ về thực trạng cơ chế chính sách và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước vào tháng 4.2014, tổng tài sản của các tập đoàn và tổng công ty đã tăng từ 751 ngàn tỉ đồng (2006) lên 2.393 ngàn tỉ đồng vào năm 2012, tăng 318%. Tuy nhiên, nếu như tổng số nợ phải trả năm 2006 chỉ là 420 ngàn tỉ đồng (bằng 1,32 lần vốn chủ sở hữu), thì đến con số này vào năm 2012 đã là 1.349 ngàn tỉ đồng so với con số 922 ngàn tỉ đồng vốn chủ sở hữu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có không ít tập đoàn, tổng công ty còn có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Mức lỗ lũy kế tính đến ngày 31.12.2012 của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 17.033 tỉ đồng.
Những con số trên đã khiến cho bước tranh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thêm phần ảm đạm. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải gấp rút thực hiện kế hoạch cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ. Cụ thể, theo kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014-2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Đó là chưa kể số doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp cổ phần hóa trong giai đoạn tới.
Trong số 432 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015, đã có 348 doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo, 247 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp; và 123 doanh nghiệp đã công bố giá trị. Dự kiến, cả năm 2014, Việt Nam sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp.Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn đang ở phía trước.
Nợ lớn, lợi nhuận thấp
Chuyên gia Lê Trọng Nhi. Ảnh: Trường Nikon |
Theo chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi, vấn đề đầu tiên nằm ở khâu xác định giá trị doanh nghiệp. Hiện tại, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Thông tư 202/2011/TT-BTC, việc xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp chỉ tính theo cách tiếp cận chi phí (phương pháp duy nhất) để đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đây là điểm bất hợp lý gây khó khăn cho việc xác định giá trị doanh nghiệp.
“Cần đa dạng hóa phương pháp xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp. Phương pháp dòng tiền chiết khấu trên thực tế khi triển khai gặp nhiều vấn đề phát sinh nên cần được cụ thể hóa bằng một số quy định như thống nhất trong việc lấy chỉ số beta, kỳ hạn trái phiếu chính phủ làm tỉ suất lợi nhuận phi rủi ro, cách ước tính tỉ lệ tái đầu tư trong trường hợp tỉ lệ tái đầu tư của doanh nghiệp trong quá khứ biến động mạnh... Thực tế này cũng đang làm khó chính các doanh nghiệp thẩm định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa”, ông Nhi cho biết.
Thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp cộng với quá trình xác định giá trị doanh nghiệp đã khiến cho các nhà đầu tư chưa thực sự bị thuyết phục.Ông Nhi cho rằng bản thân doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình hoạt động, tính minh bạch còn khá hạn chế. Vì thế, khi tiến hành cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp đã khó, nhưng việc khiến cho các nhà đầu tư tin đó là giá trị thực còn khó hơn gấp nhiều lần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, nhiều tập đoàn IPO trong thời gian vừa qua không thành công.
Cụ thể, hàng loạt các tổng công ty Nhà nước IPO nhưng không thành công trong thời gian qua. Điển hình như Tổng Công ty Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) chào bán một lượng cổ phần khá lớn ra công chúng, 14,2 triệu đơn vị, nhưng kết quả chỉ bán được 1,8 triệu cổ phần và ế 12,3 triệu cổ phần. Trong giai đoạn này, Bộ Xây dựng cũng có 5 tổng công ty khác IPO cùng chung cảnh ngộ không thành công. Ví dụ như Tổng Công ty Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) chỉ bán được 6%, còn thừa 27,5 triệu cổ phiếu, Tổng Công ty Vận tải thủy bán được 36,3%, Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng bán được 25,3%...
Tiến sỹ Trần Đình Thiên |
Lý giải về tình trạng này, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng do thị trường trầm lắng và lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước từ năm 2013 đã giảm khá nhanh chính là nguyên nhân nhà đầu tư không mặn mà. Như trường hợp của Cienco 5, vốn điều lệ gần 495 tỉ đồng nhưng lợi nhuận năm 2012 chỉ vẻn vẹn có 5,2 tỉ đồng. Thậm chí, doanh nghiệp này còn chưa công bố lợi nhuận năm 2013 khi họp báo công bố IPO.Còn Cienco 6 có vốn điều lệ 600 tỉ đồng nhưng cũng chỉ đạt lợi nhuận trung bình 10 tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2010-2013.
Rõ ràng, cách làm hấp tấp, dồn dập trung bình mỗi ngày một doanh nghiệp IPO cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng rẻ cũng không ai mua. “Doanh nghiệp phải cải thiện hình ảnh thông qua các chỉ số lợi nhuận, minh bạch hóa quá trình xác định giá trị. Ngoài ra, khâu tổ chức cũng như chiến lược truyền thông phải bài bản trước khi thực hiện thủ tục đấu giá mới mong thu hút được nhà đầu tư”, ông Thiên nhận xét.
Thực tế cho thấy, những công ty IPO thành công thời gian qua đều là những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn hiệu quả trong nhiều năm, có sự chuẩn bị khá tốt trước IPO, biết thuê tư vấn, làm truyền thông và nhất là công bố thông tin khá minh bạch. Điển hình phải nói đến là như trường hợp Cienco 1, bán hết 16,18 triệu cổ phiếu thu về 226,5 tỉ đồng; Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long cũng bán hết 12,3 triệu cổ phiếu thu về được 258,5 tỉ đồng; Cienco 4 bán hết 16,1 triệu cổ phiếu. Đặc biệt, Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải không những bán hết mà còn bán được giá 21.848 đồng/cổ phiếu, gấp hai lần giá khởi điểm (10.000 đồng/cổ phiếu), đại thắng thu về 56,8 tỉ đồng.
Bội thực IPO cuối năm
Tuần trước, Vietnam Airlines đã thực hiện đợt IPO thành công khi chào bán 3,5% vốn điều lệ.Theo đó, có 1.608 đã tham gia mua với lượng đặt mua đạt 49,36 triệu cổ phần.Có 2 nhà đầu là tổ chức trong nước đăng ký mua 48,32 triệu cổ phần, tương đương 98,6% lượng đấu giá.Không có nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nào đăng ký mua.
Những ngày tháng còn lại của năm 2014, sẽ có 18 doanh nghiệp nhà nước thực hiện IPO theo kế hoạch với tổng cộng gần 268,6 triệu cổ phiếu. Trong đó phải kể đến Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau với số lượng cổ phiếu đưa ra đấu giá lên đến gần 129 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần, hay Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) với gần 61 triệu cổ phiếu, giá khởi điểm ở mức 10.100 đồng/cổ phần.
Việc tung ra thị trường với khối lượng “khủng” trong giai đoạn cuối năm, liệu IPO có thành công hay không còn tùy thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp. Khó nhất vẫn là tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Thường thấy trong phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là những tiêu chí và điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhưng các doanh nghiệp quên rằng, nhà đầu tư cũng có những điều kiện chi tiết khi có ý định trở thành cổ đông chiến lược của một doanh nghiệp nào đó.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Bùi Kiến Thành cho rằng hiện sức hấp thụ của thị trường hiện khá hạn chế, cộng với việc IPO dồn dập hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty lớn như vậy, chắc chắn là không hiệu quả. Hiệu quả về sự thành công của việc thực thi theo đúng tiến độ là một chuyện, ngoài ra, ý nghĩa thực sự của cổ phần hóa cũng sẽ bị bóp méo. Theo ông Thành, để làm rõ đúng bản chất, thì cụm từ “cổ phần hóa” nên được thay thế bằng “tư nhân hóa” cho phù hợp với xu hướng chung của thế giới và thị trường.
Tiến sỹ Bùi Kiến Thành |
Chủ trương của Chính phủ là với những doanh nghiệp Nhà nước chưa tổ chức IPO được, thì vẫn chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần với vai trò Nhà nước vẫn giữ cổ phần trọng yếu, cùng với các cổ đông khác bao gồm người lao động, tổ chức công đoàn, cổ đông chiến lược hoặc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Trường hợp IPO một phần lại càng khó khăn hơn, bởi vì làm như vậy chẳng khác nào “rót rượu” vào cái bình cũ. Vẫn những con người đó, cơ chế hoạt động như thế thì khó kiếm được nhà đầu tư, thậm chí bán rẻ người ta cũng không dám mua, Tiến sĩ Thành chia sẻ.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư