Thứ Hai | 23/04/2012 23:20

WSJ: Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam giảm

Tuy chỉ số tự do kinh tế giảm, nhưng chỉ số cán cân trao đổi thương mại và chính sách tài khóa của Việt Nam được ghi nhận có nhiều tiến bộ.
Quỹ Heritatge và tạp chí WSJ vừa công bố Báo cáo Chỉ số tự do của các nền kinh tế thế giới năm 2012. Đây là báo cáo thường niên về mức độ tự do nền kinh tế của 184 nước trên thế giới được Quỹ Heritatge và WSJ hợp tác nghiên cứu và ấn hành trong suốt thập kỷ qua.

Một điều bất ngờ của báo cáo năm nay đó là việc Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, quốc gia thường xuyên kêu gọi xây dựng một nền kinh tế tự do, đã bị mất điểm nghiêm trọng và rơi xuống vị trí cuối cùng trong top 10 quốc gia có chỉ số tự do kinh tế cao nhất.

Nguyên nhân, theo Ed Feulder, Giám đốc Quỹ Heritage, là do Mỹ bị mất điểm ở các tiêu chí tham nhũng, chi tiêu công, chính sách tiền tệ. "Mỹ vẫn là một trong những nền kinh tế tự do nhất nhưng không còn có thể nói rằng đây là hình mẫu mong muốn của thế giới", Giám đốc Feulder nói.

Trong top 10, hai đại diện của châu Á là Hong Kong và Singapore đứng vững ở vị trí đầu tiên. Châu Úc và châu Âu mỗi châu lục đóng góp hai đại diện gồm Úc, New Zealand và Thụy Sỹ, Island. Khu vực châu Mỹ, ngoài Mỹ còn có các nước Canada, Chile đứng trong top 10. Mauritius, một quốc đảo nhỏ ở châu Phi cũng có mặt trong danh sách và xếp trên Mỹ, Island.

Về mức độ thay đổi các chỉ số, Chile là quốc gia tăng điểm mạnh nhất và nhảy lên vị trí thứ 7. Island và Mỹ là hai quốc gia tụt hạng mạnh nhất, lần lượt là -1,8 và -1,5 điểm, rơi xuống vị trí thứ 9 và 10.

Việt Nam đứng ở vị trí thứ 136, với tổng số điểm là 51,3, giảm 0,3 điểm so với năm ngoái chủ yếu do bị mất điểm ở các tiêu chí chi tiêu công và sự tự do của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chỉ số cán cân trao đổi thương mại và chính sách tài khóa của Việt Nam được ghi nhận có nhiều tiến bộ. Việt Nam cũng đứng thứ 29 trong số 41 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù điểm số thấp hơn mức trung bình chung của khu vực.

Các chỉ số được xây dựng dựa trên lý luận của nhà kinh tế học Adam Smith (thể hiện chủ yếu qua tác phẩm Sự giàu có của quốc gia, xuất bản năm 1776) về sự tự do, thịnh vượng của một nền kinh tế bằng cách đưa ra 10 tiêu chuẩn để đo sức khỏe và đánh giá mức độ thành công của một nền kinh tế ở 184 quốc gia trên thế giới, trong đó có các tiêu chí đánh giá về quyền sở hữu trí tuệ, về mức độ tự do trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Nguồn VEF


Sự kiện