Thứ Ba | 15/01/2013 20:56

World Bank: Tái cấu trúc ngân hàng đòi hỏi nguồn lực lớn

Tài sản của ngành ngân hàng Việt Nam cao gấp gần 2 lần GDP, điều này làm cho những nỗ lực tái cấu trúc chủ yếu sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn.
Tại Việt Nam, hệ thống tài chính chịu sự chi phối của ngành ngân hàng, Nhà nước tiếp tục có vai trò lớn trong các ngân hàng (về sở hữu và cho vay). Các Thị trường tài chính tuy còn đang trong giai đoạn phát triển nhưng đã có sự tăng trưởng đáng kể trong 5 năm qua (chiếm 35% GDP).

Hiện Việt Nam đang có 35 ngân hàng thương mại cổ phần và 5 ngân hàng sở hữu nhà nước, trong đó, các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước chiếm khoảng 1/2 tổng lượng tài sản.

Từ 2000 đến 2011, GDP đã tăng gần 5 lần (theo giá danh định), trong khi tăng trưởng tín dụng và huy động đạt lần lượt 18 và 16 lần.

1

Theo đánh giá của ông Sameer Goyal, Điều phối viên Tài chính và Khu vực Tư nhân, Ngân hàng Thế giới, hệ thống thanh toán liên ngân hàng của nước ta đã có những cải thiện lớn, tuy nhiên, hoạt động vẫn còn yếu. "Các ngân hàng trong nước (kể cả các NHTMNN), mặc dù đã nâng cấp hệ thống nghiệp vụ nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm", chuyên gia này cho biết.

Cũng theo ông Goyal, cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin tín dụng của nhà nước đã phát triển nhưng dịch vụ còn hạn chế; khung pháp lý cho Phòng tín dụng tư nhân đã có từ 2 năm nay nhưng việc thành lập cơ quan còn hạn chế do luật pháp, hướng dẫn chưa rõ ràng.

Tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam trong mấy năm gần đây đã tăng nhanh hơn nhiều so với một số nước khác. Theo đánh giá của ông Goyal, đây là một chỉ báo của nguy cơ khủng hoảng tài chính. Theo thông báo từ các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong năm 2012 vào khoảng gần 5%, tuy nhiên, con số mà NHNN thông báo là 8,6% (theo chuẩn VAS – 10/2012). Nếu tính theo chuẩn quốc tế IAS/IFRS, nợ xấu của Việt Nam còn có thể cao hơn thế rất nhiều.

2

Mối liên hệ ràng buộc giữa DNNN và ngành ngân hàng cũng làm tăng thêm sự thiếu rõ ràng. Đây được coi là một nguồn gốc gây quan ngại khác, do sự yếu kém của các DNNN và những vấn đề phát sinh tại những DNNN lớn gần đây.

Một số ngân hàng gần đây đã gặp phải một số vấn đề về thanh khoản (trần lãi suất huy động do nhà nước quy định). Một số ngân hàng nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng quy định vốn tối thiểu. Cơ chế quản trị rủi ro tín dụng vẫn còn yếu kém hoặc còn đang phát triển. Trước những căng thẳng và lo ngại về chất lượng tài sản, tỉ lệ an toàn vốn đang là dấu hỏi được đặt ra.

Chính phủ đã nhận ra yêu cầu phải hành động và đưa ra một số giải pháp như hạn chế tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ, hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém có vấn đề về thanh khoản và nợ xấu cao, lập đề án tái cơ cấu (phân loại ngân hàng; đề ra mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu), Quyết định 254 của TT về Tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng (2011-15) (1/3/2012); Quyết định 734 (5/2012)...

Tuy nhiên, để thực hiện thành công các chính sách trên, theo ông Goyal, các nhà lãnh đạo cần phải cân nhắc một số vấn đề như thời hạn cụ thể để lập kế hoạch hành động cho từng đơn vị, điều kiện sáp nhập là gì, các vấn đề liên quan đến chiến lược xử lý nợ xấu, công ty quản lý nợ nhà nước, điều khoản chuyển nhượng, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đánh giá những khó khăn trong tái cấu trúc ngành tài chính, ông Goyal cho rằng, khung pháp lý, thể chế, giám sát của nước ta vẫn đi sau so với các chuẩn mực/thông lệ quốc tế (như quyền của chủ nợ, khả năng trả nợ, phá sản). Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, đặc biệt trong xử lý nợ xấu của các cơ quan quản lý, ngân hàng, thị trường còn chưa cao. Các nhà hoạch định chính sách hiện cũng chưa có kế hoạch khung trù bị cho tình huống khẩn cấp trong xử lý vấn đề / lưới bảo hiểm (trong đó có chức năng/vai trò của bảo hiểm tiền gửi).

Cũng theo chuyên gia này, tài sản của ngành ngân hàng cao gấp gần 2 lần GDP, điều này làm cho những nỗ lực tái cấu trúc chủ yếu sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn trong khi chính phủ không có nhiều tiềm lực tài chính. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần cân bằng giữa chính sách tiền tệ và nhu cầu tín dụng.

Nguồn NDHMoney


Sự kiện