World Bank nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,7%
Ngân hàng Thế giới (World Bank) thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 lên mức 6,7% cao hơn mức dự báo trước đó là 6,3%.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam lạc quan cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% bằng mục tiêu Chính phủ kỳ vọng.
Dẫn chứng được World Bank đưa ra là sức cầu trong nước mạnh hơn, các ngành chế tạo và chế biến định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp đang từng bước phục hồi. Đây là các yếu tố tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,4% trong chín tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế tạo, và dịch vụ lần lượt đạt tăng trưởng 7,3% và 12,8% so với cùng kỳ.
World Bank cũng cho rằng đà tăng trưởng kinh tế đang được đẩy mạnh cùng với sự phục hồi của thương mại toàn cầu. Việt Nam cũng có một năm khởi sắc và tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định khi thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống.
Bên cạnh đó, lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân ở mức cao.
Ngành nông nghiệp, các ngành chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam cũng khởi sắc. Số lượng việc làm tiếp tục tăng với 1,6 triệu việc làm mới được tạo thành trong ba năm qua và 700.000 việc làm mới được bổ sung ở các ngành xây dựng, bán lẻ và dịch vụ, góp phần tăng tổng năng suất lao động.
Việt Nam đã có tiến triển về giải quyết nợ xấu, nhưng những rủi ro vẫn còn, chẳng hạn như tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng còn chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao.
Báo cáo của World Bank cũng ghi nhận tình hình tài khóa đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm xuống và tốc độ nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên, việc cắt giảm đầu tư công xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 so với 25% trong những năm qua - chưa hẳn đã được cho là bền vững về lâu dài. Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
Trong khi đó, cải cách cơ cấu chậm cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hiện nay, nhất là tốc độ tăng đầu tư đang yếu đi. Tăng cường khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu là hướng đi để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.
Theo World Bank, hướng giải pháp cho Việt Nam là phải xây dựng lại các vùng đệm chính sách, đệm vốn để giảm nợ công, để có dư địa tốt hơn.
Tăng trưởng tín dụng Việt Nam vẫn tăng, đó là kích cầu nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Chi phí để sử dụng những kênh này để thúc đẩy nền kinh tế vẫn đang tăng lên nên phải thúc đẩy hơn nữa về ngành ngân hàng. Quản lý tăng trưởng tín dụng cũng phải suy nghĩ xem làm thế nào để được điều tiết, tái cơ cấu một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Ngoài ra, cải cách cơ cấu chậm cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hiện nay, nhất là khi tốc độ tăng đầu tư đang yếu đi.
Bên cạnh đó, cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm của Việt Nam trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Theo đó, trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.