Thứ Tư | 23/05/2012 10:43

World Bank: Kinh tế Việt Nam 2012 tăng trưởng 5,7%, lạm phát dưới 10%

Cũng như các nước khác trong khu vực châu Á, tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam sẽ chậm lại so với năm trước.
Theo báo cáo vừa công bố hôm nay (23/5) của World Bank, tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam là 5,7%, giảm so với mức 5,9% năm 2011, tuy nhiên, sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2013. Lạm phát năm 2012 giảm xuống dưới 10%.

Thâm hụt ngân sách năm 2012 được dự báo tăng lên 6% GDP, so với con số ước tính 6,5% năm 2011. Nợ công được kỳ vọng vẫn ở mức ổn định, và Chính phủ sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tài khóa. Theo Phân tích về tính ổn định nợ của quốc gia thu nhập thấp của World Bank, Việt Nam thuộc nhóm chịu ít rủi ro nợ công.
d
World Bank cho rằng, vấn đề của Việt Nam trong những năm tới tiếp tục là vấn đề trong ngành ngân hàng. Ngoài ra, thách thức ngắn hạn về chính sách với Việt Nam là làm thế nào để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục niềm tin nhà đầu tư.

Theo nhận định của World Bank, sau một giai đoạn nhiều biến động, kinh tế Việt Nam bắt đầu dần đi vào ổn định đặc biệt sau khi Chính phủ ra Nghị quyết 11 nhằm bình ổn kinh tế - xã hội vào tháng 2/2011.

Trước đó, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng đánh giá kinh tế Việt Nam 2012 tăng trưởng dưới 6%. Trong khi đó, EIU dự báo, GDP Việt Nam 2012 chỉ tăng 5,6%, lạm phát ở 13,8%.Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong 2012 là giữ tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, lạm phát dưới 10%.


World Bank cũng nhấn mạnh, việc thắt chặt các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế toàn cầu đang làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. Mức tăng trưởng đã giảm từ 6,8% năm 2010, xuống 5,9% năm 2011 và còn 4% trong quý I/2012.

Cũng trong báo cáo trên, World Bank dự báo, các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm 2012, thấp hơn mức 8,2% trong năm 2011. Theo World Bank, tăng trưởng Trung Quốc năm 2012 sẽ đạt 8,2%, thấp hơn dự báo trước đó là 8,4%, trước khi tăng lên 8,6% trong năm 2013. Trong khi đó, tăng trưởng GDP năm nay của Thái Lan chỉ đạt 4,5%, và phục hồi 5% vào năm sau.

Sở dĩ triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á giảm do ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế, chính trị châu Âu cũng như đà phụ hồi kinh tế Mỹ chững lại.

Nguồn WB/DVT


Sự kiện