Thứ Sáu | 31/08/2012 05:59

World Bank: Giá lương thực toàn cầu tăng 10% trong tháng 7

Hạn hán ở Mỹ và Đông Âu khiến giá lương thực toàn cầu tiếp tục tăng mạnh.
Theo báo cáo vừa công bố của World Bank, từ tháng 6 đến tháng 7, giá ngô và lúa mỳ tăng mỗi loại 25%, trong khi giá đậu tương tăng 17%, chỉ có giá gạo giảm 4%. Giá đậu tương kỳ hạn lên kỷ lục 17,78 USD/giạ phiên giao dịch ngày 30/8, trong khi giá ngô kỳ hạn lên gần kỷ lục 8,49 USD thiết lập hồi đầu tháng này.

Trong tháng 7, chỉ số giá lương thực của World Bank theo dõi giá của các hàng hóa giao dịch quốc tế tăng 10% so với tháng trước đó, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1% so với mức đỉnh thiết lập tháng 2/2011.

s
Biểu đồ biến động chỉ số giá lương thực của World Bank từ 2007-2012.

Nhìn chung, giá lương thực thế giới giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 biến động trái chiều, tăng trong tháng 4, giảm nhẹ trong tháng 5 và tháng 6 nhưng tiếp tục tăng mạnh trở lại vào tháng 7.

Giá lương thực nội địa trong quý này cũng tăng ở các khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Phi. Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim cho rằng, châu Phi và Trung Đông là khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất do giá ngũ cốc tăng mạnh.

Hạn hán nghiêm trọng ở Mỹ khiến sản lượng ngô và đậu tương của nước này được dự báo giảm mạnh, trong khi đó, khô hạn ở Nga, Ukraine và Kazakhstan ảnh hưởng đến sản lượng lúa mỳ, làm dấy lên lo ngại các nước này có thể hạn chế xuất khẩu ngũ cốc.

Trong một diễn biến liên quan khác, các bộ trưởng tài chính Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) hôm qua đã ra tuyên bố chung kêu gọi Nga không cấm xuất khẩu ngũ cốc để trong bối cảnh lo ngại giá lương thực leo thang. Các lãnh đạo G20 cũng chưa đưa ra quyết định chung tay hành động đối phó giá lương thực tăng cho đến khi Mỹ đưa ra dự báo sản lượng thu hoạch cả năm vào tháng 9 tới.

Về phần mình, World Bank cho rằng sẽ không có nguy cơ tái diễn khủng hoảng lương thực như năm 2008 khi giá lương thực tăng gây hỗn loạn ở nhiều nước.

Nguồn World Bank/Khampha


Sự kiện