World Bank cảnh báo rủi ro với kinh tế Việt Nam 2013
Cụ thể, ông Deepak Mishra cho rằng, lạm phát của Việt Nam cơ bản vẫn cao, khoảng 11% trở lên – cao hơn so với một số quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, điều đó sẽ tác động đến nền kinh tế do không đảm bảo năng lực cạnh tranh theo thời gian, đặc biệt lạm phát ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình thị trường do đó điều hành lạm phát phải đều đều và không được quá sốc.
Lấy ví dụ về sự bùng phát của tăng giá giao thông, y tế, giao dục trong năm 2012, ông Deepak Mishra bày tỏ quan điểm Việt Nam không nên kiểm soát lạm phát bằng các biện pháp hành chính. Bởi lẽ, nó chỉ có tác dụng trong ngắn hạn nhưng Việt Nam sẽ phải trả giá về dài hạn
Về dự trữ ngoại hối, vị đại diện của World Bank cũng cho rằng, dự trữ ngoại hối còn thấp so với các nước trên thế giới. Điểm yếu trong dự trữ ngoại tệ của Việt Nam là khi có biến động, tiền được chuyển đổi sang đồng tiền khác hoặc bất động sản. World Bank khuyến cáo Việt Nam cần tăng cường lên 3 tháng nhập khẩu.
Về tín dụng và khả năng thanh toán, trong 2 tháng trở lại đây, cung tiền tăng nhanh, khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng tăng lên 12%, và lãi suất đã giảm xuống. Tuy nhiên, theo World Bank Việt Nam nới lỏng các chính sách tài khóa tiền tệ sớm khiến lạm phát có nguy cơ quay trở lại.
Về tái cơ cấu ngành Ngân hàng, vấn đề phải giải quyết của Việt Nam là nợ xấu và Chính phủ đã có ý định thành lập công ty mua bán nợ xấu nhưng để thực hiện được điều đó Việt Nam phải trả lời được các câu hỏi: Kinh phí đến từ đâu? Định giá tài sản thế nào? Quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên?
World Bank cho rằng, Việt Nam đang triển khai chậm trễ và kém hiệu quả quá trình cải cách cơ cấu kể cả giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và những doanh nghiệp nhà nước, điều đó là những vật cản tới tiềm năng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Tái cơ cấu DNNN trong Quyết định số 929 và số 704 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số mốc quan trọng như: Lập kế hoạch tái cơ cấu với tất cả các Tập đoàn kinh tế Nhà nước và Tổng công ty, thoái vốn ở những ngành không trọng điểm, xây dựng khung giám sát hoạt động và tài chính của DNNN, Luật đầu tư vốn nhà nước, tăng cường khuôn khổ quy định và giám sát... nhưng lại không có điểm nổi bật.
Do đó, World Bank kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần thực hiện đồng thời và rõ nét tất cả các nội dung trên.
Ông Deepak Mishra – Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam kết luận: Ngành xuất khẩu của Việt Nam phát triển tốt trong thời gian qua nhưng còn nhiều biến động, rủi ro. Năm 2013 sẽ là một năm có tính chất quyết định của Chính phủ đối với việc giải quyết những tồn tại của ngành ngân hàng và DNNN, nhưng Chính phủ phải có những giải pháp tốt để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn CafeF