WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá
Theo Bộ Y tế, hút thuốc lá đang giết chết hơn 7 triệu người thế giới mỗi năm, trong đó gần một triệu ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. 80% trong số hơn một tỷ người hút thuốc lá trên toàn cầu đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tại các nước phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi trong những thập kỷ qua. Ngược lại, tại các nước đang phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá có xu hướng gia tăng.
Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới hút thuốc tại Việt Nam là 47%, trên 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, hút thuốc thụ động. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch. 30% ca tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ hút thuốc, 12% người tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ hút thuốc thụ động. 20-30% tỷ lệ tử vong do đột quỵ có nguyên nhân từ việc hút thuốc lá.
Báo cáo mới nhất của WHO cho biết hút thuốc lá khiến các nền kinh tế thế giới thiệt hại 1 nghìn tỷ USD mỗi năm do phải chi tiêu cho lĩnh vực y tế và năng suất lao động giảm sút. Còn theo số liệu khảo sát của GATS (Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ của WTO), Việt Nam mỗi năm chi 31.000 tỷ đồng để hút thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động và ốm đau, tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây là 24.000 tỷ đồng, bằng 1% GDP.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam tăng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là do giá thuốc lá tại Việt Nam quá rẻ, trong 15 nước thấp hất thế giới. Giá một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là 6.000 đồng, phổ biến ở mức dưới 20.000 đồng. Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới từ 47% xuống 39% vào 2020. Để đạt mục tiêu này, WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá, mức thuế tối thiểu là 2.000 đồng một bao và tối ưu là 5.000 đồng.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi tăng thuế 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của các chính phủ thêm 7%. Chính phủ các nước trên thế giới có thể thu thêm 141 tỷ USD từ thuế thuốc lá nếu tăng thuế với mức trung bình là 0,8 USD/bao.
Theo tính toán của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, nếu tăng thuế thêm 5.000 đồng/bao, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, đồng thời ngân sách nhà nước tăng thêm được 10.700 tỷ đồng/năm trong khi xã hội sẽ tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc.
Trên thế giới, một trong những cách tiếp cận cũng được cân nhắc để giảm thiểu người hút thuốc lá và các bệnh liên quan đến hút thuốc lá là những sản phẩm không khói thuốc lá. Tổ chức Y tế Công cộng Anh Quốc, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tại Hoa Kỳ cùng nhiều cơ quan chức năng và cơ quan y tế trên thế giới đã có những công bố về những sản phẩm không khói thuốc lá như thuốc lá điện tử và thuốc lá hun nóng có thể giảm tác hại so với thuốc lá điếu cho những người khó cai hút thuốc.
Một triệu người Pháp đã bỏ hút thuốc lá chỉ sau một năm, theo cuộc thăm dò sức khỏe giai đoạn 2016-2017. Những năm gần đây, Pháp bán những gói thuốc lá với bao bì trung tính, hoàn lại tiền cho những người sử dụng các sản phẩm thay thế thuốc lá, nâng giá thuốc lá và tiến hành các chiến dịch như tháng không hút thuốc lá toàn quốc.
Đây cũng là kinh nghiệm tại các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm giảm tỉ lệ hút thuốc và tác hại do khói thuốc.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết những cảnh báo bằng hình ảnh được chứng minh là đã giúp nhiều người bỏ thuốc lá, và nói rằng 78 quốc gia sở hữu một nửa dân số thế giới hiện đang áp dụng rất tốt biện pháp này.