WB: Việt Nam xử lý các ngân hàng yếu kém quá chậm
Báo cáo nhận định, những vấn đề chưa được giải quyết trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam vẫn là mối quan tâm cho Việt Nam trong những năm tới.
Đầu tháng 3/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định 254 về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011-2015, trong đó đặt ra một số lựa chọn trong chuyển dịch cơ cấu, bao gồm cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém; tăng giới hạn quyền sở hữu đối với các ngân hàng nước ngoài trong các tổ chức tín dụng; khuyến khích các ngân hàng mạnh mua lại tài sản có chất lượng tốt và mua lại các khoản vay từ các ngân hàng yếu kém và cho phép các ngân hàng bán các khoản nợ khó đòi cho công ty kinh doanh nợ và tài sản.
Tuy nhiên, dường như quá trình này đang diễn ra quá chậm chạp so với mục tiêu ban đầu mà Thống đốc NHNN dự kiến là hết quý I sẽ giải quyết dứt điểm các ngân hàng yếu kém, báo cáo cho hay.
Ông Depark Mistra - chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam khuyến nghị, NHNN cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại số ngân hàng yếu. Đây được xem là thách thức ngắn hạn về mặt chính sách của Việt Nam là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, báo cáo của WB đánh giá, tính đến cuối tháng 4/2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm 0,66% so với cuối năm 2011, chứng tỏ, dòng vốn đang bị "tắc nghẽn" trong hệ thống ngân hàng trong khi mà doanh nghiệp lại đang chật vật để tiếp cận với các khoản vay, nhằm khôi phục và duy trì sản xuất.
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam nhìn nhận, rõ ràng tăng trưởng tín dụng âm là hệ quả của việc quá thắt chặt chính sách tiền tệ. Với những chỉ số tăng trưởng quá thấp, chắc chắn mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra cho cả hệ thống tài chính năm 2012 là 15-17% khó đạt được.
Điểm mặt những nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng tín dụng âm, Giám đốc WB tại Việt Nam nêu lên 3 nguyên nhân chính.
Trước tiên, các ngân hàng hiện đang "phân biệt đối xử" mạnh tay hơn đối với những doanh nghiệp yếu kém, bởi lo sợ về khả năng gia tăng nợ xấu.
Thứ hai, do ứ đọng hàng tồn kho lớn, sức mua người dân giảm nên nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp đã giảm nhiệt đáng kể.
Thứ bag, lãi suất vẫn quá cao so với sức chịu đựng của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay.
Nguồn Infonet