Thứ Sáu | 13/07/2012 14:43

WB: Việt Nam hạ lãi suất tốt cho cung - cầu

WB cho rằng việc cắt giảm lãi suất hiện nay của Việt Nam là cần thiết và phù hợp, thay vì e ngại việc cắt giảm lãi suất quá nhanh trước đó.
Đó là ý kiến của Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Deepak Mishra khi trả lời những vấn đề xung quanh việc giảm lãi suất của các ngân hàng thế giới và Việt Nam.

Hàng loạt ngân hàng trên thế giới như ngân hàng trung ương châu Âu ECB, ngân hàng trung ương Anh, ngân hàng trung ương Trung Quốc, đã đồng loạt hạ lãi suất xuống các mức thấp. Vậy các nước, các ngân hàng trung ương đang kỳ vọng gì từ đợt hạ lãi suất này, thưa ông?
 
Hạ lãi suất sẽ có tác động tốt tới cung là những doanh nghiệp, là người sản xuất hàng hóa. Khi họ được vay vốn rẻ, họ sẽ mở rộng kinh doanh, đầu tư và cung nhiều sản phẩm ra thị trường. Về cơ bản, hạ lãi suất chính là cách để tiền ra được nền kinh tế ngày càng nhiều, thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng.
 
Ngân hàng nhà nước Việt Nam thời gian qua cũng rất quyết liệt trong việc hạ mặt bằng lãi suất, (cả lãi suất huy động và cho vay). Đã có những nhận định cho rằng, hạ như thế là quá nhanh. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
 
Thực tế, ngay cả chúng tôi cũng đã từng lo ngại rằng, Việt Nam đã giảm lãi suất một cách quá nhanh, nhưng tôi nhấn mạnh là “đã từng”. Còn hiện giờ, với làn sóng cắt giảm lãi suất cấp tập đang diễn ra trên diện rộng như hiện nay, chúng tôi cho rằng động thái giảm lãi suất quyết liệt của Ngân hàng nhà nước Việt Nam là cần thiết và phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới.
 
Tuy nhiên, các bạn mới chỉ đang làm tốt đối với những giải pháp ngắn hạn. Còn giải pháp trung và dài hạn, chúng tôi vẫn chưa thực sự nhìn thấy rõ lộ trình. Chúng tôi hiểu rằng, người dân, doanh nghiệp Việt Nam đang rất nóng lòng được giải quyết ngay những khó khăn trước mắt nhưng chỉ dừng ở đấy chưa đủ.

Vấn đề sâu xa của nền kinh tế Việt Nam chính là vấn đề về cơ cấu, về cấu trúc. Bài học năm 2009 đã có, chúng ta đã làm rất tốt để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại nhưng sau đó hàng loạt các vấn đề nảy sinh cho năm 2010-2011, đặc biệt là lạm phát tăng cao, bong bóng bất động sản... Đó là do ta chưa có những giải pháp dài hạn để giải quyết các vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế.
 
Tôi e rằng, chúng ta không còn thời gian để trì hoãn. Phải tiến hành đồng bộ cả biện pháp ngắn hạn và các giải pháp để giải quyết vấn đề về cấu trúc kinh tế. Chúng tôi cần được nhìn thấy những lộ trình cho các giải pháp này. Cần phải có sự minh bạch về chính sách với thị trường, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ví dụ như họ cần phải biết chuyện gì đang xảy ra, chính sách giải quyết nó là gì, thời gian tiến hành sẽ bắt đầu từ bao giờ. Chúng tôi thực sự mong được thấy một lộ trình dài hơi đối với các giải pháp trung và dài hạn của Việt Nam.
 
Về động thái mới nhất của Ngân hàng nhà nước là yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất của các khoản vay cũ về 15%, ý kiến của ông như thế nào?
 
Tốt cho doanh nghiệp, vì như thế là họ có điều kiện không chỉ tiếp cận được các khoản vay mới rẻ hơn nhiều so với trước mà họ còn giảm cả những khoản đã vay trước đây. Song vấn đề là ngân hàng sẽ thực hiện nó đến đâu? Các ngân hàng họ cũng đang phải tính toán bài toán lợi nhuận của họ, huy động cao, giờ cho vay thấp, rồi tiếp lại phải hạ các khoản đã cho vay trước, với giá huy động vào có thể cao hơn. Họ sẽ tính như thế nào.

Tôi cho rằng, họ sẽ phải chọn lựa ưu tiên với các đối tượng doanh nghiệp có tiềm năng trước. Sẽ thật khó để bình luận nhiều về điều này, phải vài tháng nữa thì chúng ta mới có thể biết chắc được rằng các ngân hàng sẽ thực hiện như thế nào.

Nguồn VTV


Sự kiện