Thứ Tư | 03/12/2014 13:54

WB: VAMC sẽ chỉ giải quyết được một phần nợ xấu

Tuy nhiên, hiệu quả của chiến lược xử lý nợ xấu này còn chưa rõ ràng và có thể cần phải có cách tiếp cận đa chiều chủ động, theo WB.

Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, việc thành lập Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến nay là một bước tiến đáng kể để giải quyết vấn đề nợ xấu.

Tuy nhiên, hiệu quả của chiến lược xử lý nợ xấu này còn chưa rõ ràng và có thể cần phải có cách tiếp cận đa chiều chủ động, theo WB. Việc xử lý nợ xấu qua VAMC sẽ phụ thuộc vào sức hấp dẫn của VAMC đối với các ngân hàng và tính chủ động của VAMC trong việc xử lý nợ xấu.

Thiết kế của VAMC đòi hỏi các ngân hàng phải trích dự phòng 20%/năm cho các trái phiếu của VAMC mà không được tính vào tài sản sinh lời (trái phiếu của VAMC dùng để mua nợ xấu có lãi suất cuống phiếu là 0%). Việc sử dụng trái phiếu VAMC để tiếp cận thanh khoản có thể chỉ được một số ít ngân hàng đang gặp khó khăn nghiêm trọng hơn về thanh khoản quan tâm.

Thêm vào đó, nếu các tài sản này được chuyển nhượng và lưu kho mà không có sự quản lý hoặc giải quyết một cách chủ động thì chúng sẽ thực sự mất giá trị theo thời gian. Trong bất kỳ trường hợp nào, WB cho rằng, VAMC sẽ chỉ giải quyết được 1 phần nợ xấu.

Tháng 9/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông báo giá trị nợ xấu xử lý đạt 249 nghìn tỷ đồng so với con số 464 nghìn tỷ đồng tại thời điểm tháng 9/2012. Kể từ khi thành lập tháng 7/2013 tới nay, VAMC đã mua lại khối lượng nợ xấu đáng kể khoảng 90 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, VAMC vẫn chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng và khả thi để quyết số nợ xấu đã mua một cách hiệu quả.

Mặt khác, nỗ lực của VAMC trong hoạt động xử lý nợ còn đang bị cản trở do thiếu khung pháp lý liên quan tới phá sản và sở hữu tài sản nhằm bảo vệ VAMC và các ngân hàng thương mại tránh khỏi những kiện tụng pháp lý trong trường hợp gây ra tổn thất tiềm ẩn cho Nhà nước khi chưa thể thiết lập một cơ chế thị trường xử lý nợ xấu rõ ràng.

Khuyến nghị

Theo WB, câu hỏi về quy mô nợ xấu thực tế vẫn chưa được giải đáp triệt để dù Thông tư 02 và 09 về phân loại và dự phòng tổn thất nợ vay ra đời là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi đầy đủ Thông tư 02 đã hoãn lại tới tháng 4/2015.

WB cho rằng, kiểm toán tài chính đặc biệt đối với các ngân hàng sẽ cho kết quả đánh giá chính xác về nợ xấu, nhu cầu cấp vốn bổ sung tương ứng và thông tin quan trọng để xây dựng các đề án xử lý nợ.

Theo WB, kiểm toán hoạt động sẽ là cơ sở cho kế hoạch tái cấu trúc các ngân hàng thương mại nhà nước. Xác định được các hình thức liên kết chéo chủ yếu giữa các ngân hàng và khách hàng vay sẽ cho phép giám sát rủi ro hệ thống trong quá trình cải cách.

Trong giai đoạn thứ hai, các ngân hàng sẽ được cấp vốn bổ sung, WB khuyến nghị. Các ngân hàng thương mại nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn tại các ngân hàng khác. Công tác chuẩn bị cho hoạt động cải cách quy định pháp lý và hệ thống giám sát cũng sẽ được thực hiện trong giai đoạn này.

Một chương trình xử lý nợ xấu rõ ràng sẽ được đưa ra trong giai đoạn thứ hai và được triển khai hoàn toàn trong giai đoạn thứ ba. Chương trình này sẽ được tiến hành theo 4 hướng, hướng thứ nhất do ngân hàng thực hiện, hướng thứ hai do một công ty xử lý nợ xấu tập trung thực hiện và hai hướng bổ sung còn lại tập trung xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước lớn và phức tạp.

Đồng thời, cần thông qua áp dụng một loạt biện pháp giải phóng các ngân hàng thương mại nhà nước khỏi nhiệm vụ chính sách. Việc thực hiện chương trình cải cách thị trường vốn, cải cách cơ sở hạ tầng tài chính và các quy định tài chính sẽ được tăng cường trong gia đoạn cuối cùng này.

Theo WB, lý do chính của việc lựa chọn giải pháp sáp nhập hợp nhất các tổ chức tài chính để xử lý tổ chức có vấn đề về thanh khoản là do ngân sách eo hẹp và mong muốn tránh tình trạng rút tiền hàng loạt. Mặc dù việc sáp nhập, hợp nhất đã giải quyết những khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn nhưng có vẻ nó chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản về tài sản, thanh khoản, vốn và quản trị điều hành, WB nhận xét.

Thêm vào đó, khả năng thực hiện giao dịch mua lại và tiếp nhận nợ không được quy định rõ ràng trong Luật các tổ chức tín dụng. Cần có một cơ chế xử lý ngân hàng hiệu quả hơn để áp dụng thử nghiệp với các tổ chức có quy mô nhỏ.

Nguồn DVO/WB