Thứ Tư | 03/12/2014 13:59

WB: Thị trường tài chính Việt Nam lớn so với một nước thu nhập trung bình

Trong khi khu vực ngân hàng có quy mô lớn thì quy mô của các định chế tài chính phi ngân hàng và thị trường chứng khoán vẫn còn nhỏ.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng nay (3/12) đánh giá, đối với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp thì hệ thống tài chính của Việt Nam là lớn với tổng tài sản lên đến 200% GDP vào năm 2011.

Khu vực ngân hàng chi phối hệ thống tài chính với tổng tài sản tương đương 183% GDP, bao gồm cả hai ngân hàng chính sách và 92% tài sản của các định chế tài chính. Hệ thống ngân hàng có quy mô lớn so với chuẩn quốc tế xét theo tiền gửi hoặc tín dụng.

Tiền gửi ngân hàng đã tăng đáng kể trong thập niên vừa qua, phản ánh tỷ lệ tiết kiệm cao, tăng trưởng kinh tế nhanh và sự phát triển chậm hơn của các công cụ tiết kiệm phù hợp khác. Đến năm 2011, tỷ lệ tiền gửi so với GDP đã vượt xa các chuẩn liên quan. Tỷ lệ tín dụng so với GDP cũng tăng mạnh trong giai đoạn này, đặc biệt từ năm 2007 - 2010 do tỷ lệ đầu tư rất cao  và cũng đã vượt đáng kể các chuẩn liên quan trong cùng thời kỳ.

Mặc dù có quy mô lớn so với chuẩn quốc tế nhưng sự phát triển của hệ thống tài chính trong những năm gần đây có nhiều biến động, phản ánh môi trường bất ổn bên ngoài cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô thất thường.

Phi Ngân hàng có quy mô nhỏ

Trong khi khu vực ngân hàng có quy mô lớn thì quy mô của các định chế tài chính phi ngân hàng và thị trường chứng khoán vẫn còn nhỏ. Các định chế tài chính phi ngân hàng, bao gồm cả quỹ tín dụng nhân dân chỉ chiếm 17% GDP và 8% tổng tài sản của các định chế tài chính.

Các công ty bảo hiểm chiếm 4% GDP trong khi đó các quỹ tương hỗ chỉ chiếm dưới 1% GDP và các quỹ hưu trí tư nhân là không đáng kể. Quỹ Bảo hiểm xã hội là nhà đầu tư thể chế duy nhất có quy mô đáng kể, chịu trách nhiệm quản lý quỹ dự trữ lương hưu tương đương 6,5% GDP.

Thị trưởng cổ phiếu đã tăng trưởng nhanh chóng nhưng vẫn còn phát triển ở giai đoạn sơ khai. Mặc dù số lượng các công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã tăng đáng kể, chủ yếu do "cổ phần hóa" các doanh nghiệp nhà nước, nhưng tổng giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu còn tương đối thấp, chỉ bằng 20% GDP vào năm 2011. Điều này phải ánh thực tế là các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam nhìn chung đều có quy mô nhỏ. Khoảng 1/3 số công ty niêm yết là công ty do nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Thị trường trái phiếu có quy mô vừa phải với trái phiếu chính phủ chiếm đa số. Tổng giá trị trái phiếu hiện hành bằng khoảng 15% GDP, với gần 90% là tría phiếu chính phủ. Trái phiếu chính phủ thường xuyên được phát hành có kỳ hạn ba và năm năm với thời gian đáo hạn trung bình khoảng 3,2 năm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng trong vài năm qua nhưng vẫn trong giai đoạn sơ khai.

Bước đi phát triển thị trường trái phiếu

Theo WB, Bộ Tài chính đã có những bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới phát triển thị trường trái phiếu chính phủ nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn đáng tin cậy. Các yếu tố hạn chế sự phát triển của thị trường trái phiếu bao gồm thị trường sơ cấp còn thiếu hiệu quả.

Mặc dù đã có những sáng kiến và cải thiện đáng khích lệ gần đây, song vẫn còn quá nhiều đợt phát hành, không có khối lượng tới hạn của các đợt phát hành trong mức chuẩn chính, hệ thống môi giới sơ cấp mới được đưa vào gần đây và vẫn chưa được kiểm định. Thị trường thứ cấp thanh khoản thấp. Thiếu cơ sở nhà đầu tư tổ chức vững chắc, hiện ngân hàng nắm giữ khoảng 80% lượng trái phiếu chính phủ hiện hành và thiếu cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ thị trường cần thiết.

WB đánh giá những nỗ lực phát triển thị trường trái phiếu gần đây của Chính phủ như phê duyệt lộ trình phát triển, kế hoạch thực hiện là đáng khích lệ vì thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình và trái phiếu đảm bảo trả lãi có thể giúp các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và ngân hàng mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, đồng thời góp phần tạo nên sự ổn định của hệ thống tài chính.

Về Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giám đốc WB Việt Nam Victoria Kwakwa đánh giá là phù hợp, gần gũi hơn với nền kinh tế. Theo đó, Thông tư 36 không chỉ tác động tới thị trường vốn mà còn tác động mạnh mẽ tới cả nền kinh tế.

Nguồn DVO/WB