Thứ Năm | 04/07/2013 10:05

WB khuyến nghị Việt Nam thành lập Uỷ ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại

Theo WB, tạo thuận lợi thương mại nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu chưa được chú trọng tại Việt Nam.
Theo báo cáo tại hội thảo "Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lưc cạnh tranh cho Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng nay (4/7), kể từ cải cách của công cuộc đổi mới năm 1986, Việt Nam đã đạt được hiệu quả cao trong hoạt động thương mại.

Cụ thể: xuất khẩu của Việt Nam tăng 34% trong năm 2011, 18% trong năm 2012 và gần 20% trong quý I/2013; đạt được lợi thế so sánh đối với xuất khẩu các sản phẩm chế biến công nghệ thấp, nông sản và nguyên liệu thô; xuất khẩu nguyên liệu thô, bao gồm cả dầu thô sụt giảm từ 52% trong năm 2000 xuống chỉ còn 30% trong năm 2010; công nghiệp chế biến chủ yếu là sản phẩm công nghệ thấp hoặc trung bình đã tăng từ 43% lên 60% trong khoảng thời gian này.

Tuy nhiên, WB cũng cho rằng, hiệu quả mạnh mẽ này trái ngược với những thách thức to lớn như hàng hoá xuất khẩu sử dụng công nghệ thấp, thâm hụt thương mại tăng, và giá trị gia tăng nội địa thấp. Bên cạnh đó, do tiến độ tự do hoá thương mại diễn ra nhanh chóng, tăng trưởng thương mại dự trên tự do hoá đang chạm ngưỡng tới hạn.

Theo WB chìa khoá cho tăng trưởng tương lai là tăng cường khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Tại Việt Nam tạo thuận lợi thương mại là một phương thức hiệu quả để thực hiện điều này nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, hiệu quả tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam còn khoảng trống để cải thiện.

Theo chỉ số kết quả hoạt động Logistics thương mại (LPI) của WB, Việt Nam được xếp vào một trong số 10 quốc gia có thu nhập trung bình có chỉ số LPI cao nhất nhưng xếp hạng tổng thể của Việt Nam đã không cải thiện trong 5 năm qua. Các chỉ số về tính hiệu quả hải quan, năng lực logistics và cơ sở hạ tầng của Việt Nam giảm mạnh. Bên cạnh đó, hành lang giao thông hạn chế trong kết nối các trung tâm tăng trưởng với các cửa ngõ quốc tế, chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics thấp đã và đang hạn chế sự phát triển của Việt Nam.

WB cũng cho rằng, tuy chú trọng vào cải cách hải quan đã giúp tăng cường quản lý biên giới, nhiều cơ quan vẫn còn áp dụng các thủ tục lạc hậu, tốn kém thời gian, không rõ ràng và tạo điều kiện cho tham nhũng. Quy trình nghiệp vụ phức tạp, không nhất quán, dựa trên thủ tục thủ công và mức độ áp dụng công nghệ thông tin rất thấp.

Để giải quyết các vấn đề trên, WB khuyến nghị Việt Nam nên thành lập Uỷ ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại (NCTF) để phát triển và triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia cho tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại.

Thành viên của cơ quan này phải bao gồm lãnh đạo các cơ quan chính phủ và đại diện doanh nghiệp. Để đảm bảo hiệu quả, người đứng đầu cơ quan này nên là là Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách về kinh tế.

WB cũng khuyến nghị Việt Nam phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông; đơn giản hoá thủ tục pháp quy để giảm thời gian và chi phí và tăng cường độ tin cậy của thương mại qua biên giới; tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất để tạo ra giá trị và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện