Thứ Tư | 18/12/2013 23:26

WB đề nghị tăng tính chủ động cho NHNN

Phó thủ tướng cho biết, nguy cơ đổ vỡ ngân hàng đã được đẩy lùi. Ảnh TH.

Việt Nam cần tăng tính chủ động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kiểm toán đặc biệt với các ngân hàng thương mại nhà nước, và đóng của một số ngân hàng yếu kém nếu muốn lành mạnh hoá lại thị trường tài chính quốc gia.

Đây là góp ý của các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội thảo "Tăng cường giám sát và lành mạnh hoá hệ thống tài chính" do Ban Kinh tế trung ương Đảng, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia và WB đồng tổ chức ngày 18-12 tại Hà Nội.

Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nói: "Chính phủ cần làm rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trong đó cho phép cơ quan này nhiều quyền năng hơn nhưng vẫn phải chú ý đến trách nhiệm giải trình của họ, đặc biệt là tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước".

Cho rằng Nhà nước cần thực hiện 3 vai trò chính là giám sát, thúc đẩy quá trình cải cách về chính sách, tạo môi trường bền vững cho hệ thống tài chính có sự chống chịu cao, bà Kwakwa khuyên cần giảm thiểu tỷ lệ sở hữu, đặc biệt trong những ngân hàng lớn, và cho phép tư nhân tham gia nhiều hơn.

Trong khi đó, chuyên gia của WB Roberto Rocha đề xuất một lộ trình cải cách nhằm lành mạnh hoá hệ thống tài chính hiện nay.

Bước đầu tiên là phải kiểm toán tài chính đặc biệt tới tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước, và các ngân hàng thương mại lớn.

Bước thứ hai là tái cấp vốn cho các ngân hàng dựa trên kết quả kiểm toán, đồng thời đóng cửa một số ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế lại kế hoạch xử lý nợ, và vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Bước thứ ba là cải cách để đảm bảo thương mại hoá toàn bộ các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay.

Theo ông Rocha, kinh tế Việt Nam đang dựa quá lớn vào hệ thống ngân hàng, khu vực chiếm tới 200% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 92% tài sản.

Dù hệ thống tài chính Việt Nam đã trụ qua giai đoạn khủng hoảng toàn cầu, song các chỉ số lợi nhuận đang giảm đáng kể. Tỷ lệ ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) toàn hệ thống giảm từ 1,8% năm 2007 xuống còn 0,5% năm 2012.

Tỷ lệ nợ xấu dao động lớn từ 5-20%, ông nói, cho thấy nhiều lý do trong đó quan trọng nhất là thiếu tin tưởng vào báo cáo tài chính của các ngân hàng và khách hàng vay.

"Tăng trưởng tín dụng ở mức 7,7%/năm là gần như bằng 0 nếu tính theo giá thực. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy những khả năng dễ bị tổn thương", ông nhận xét.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận, nợ xấu được kiểm soát nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn cao; tình trạng sở hữu chéo ở các khu vực ngân hàng, doanh nghiệp, chứng khoán đã làm lệch lạc dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông cho rằng, sau 2 năm thực hiện tái cấu trúc thị trường tài chính, hoạt động tín dụng ngân hàng của Việt Nam từng bước ổn định, an toàn, thanh khoản được cải thiện. Các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại và kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ đổ vỡ được đẩy lùi, thị trường chứng khoán từng bước hồi phục và đã trở thành 1 trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2013.

Trưởng ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ cam kết, Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp, nhất là nợ của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước kiên quyết xóa bỏ tình trạng “đô-la hóa”, “vàng hóa”, “tiền mặt hóa” nền kinh tế và thị trường ngầm về một số ngoại tệ mạnh khác; giảm thiểu những tác động tiêu cực từ sở hữu chéo trong hệ thống tài chính, ngân hàng.

Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn


Sự kiện