Thanh Hóa là tỉnh có môi trường đầu tư tiềm năng, Ngân hàng Thế giới (WB) sẵn sàng hỗ trợ các chương trình nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh xung quanh chuỗi giá trị của các khoản đầu tư quan trọng ở địa phương này. Đây là phát biểu của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam trong Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và vùng phụ cận, chiều 23/10.
Theo bà Victoria Kwakwa, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cùng với các dự án đầu tư lớn khác trong Đặc Khu kinh tế Nghi Sơn có thể là một cực tăng trưởng quan trọng cho tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, đối với người dân Thanh Hóa, để tối đa hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư đó, điều quan trọng là phải đồng thời tạo cơ hội nâng cao năng lực và đào tạo nghề để chuẩn bị cho tỉnh và cả khu vực tốt hơn nhằm hưởng lợi từ các khoản đầu tư tư nhân và các hoạt động kinh tế có liên quan tiềm năng.
Ngoài ra, sự gắn kết môi trường kinh doanh liên quan với cơ sở hạ tầng cần thiết để thu hút các doanh nghiệp và vốn đầu tư đóng vai trò không kém phần quan trọng. Những nỗ lực này có thể đóng góp vào việc tạo cơ hội tốt hơn cho đông đảo người dân và cũng thu hút trở lại những công nhân lành nghề hiện đang di cư ra khỏi Thanh Hóa.
WB sẵn sàng hỗ trợ các chương trình nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh xung quanh chuỗi giá trị của các khoản đầu tư quan trọng ở Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn. Xây dựng một hệ sinh thái tập trung vào thu hút đầu tư, tăng cường sự liên kết giữa các khoản đầu tư quan trọng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các biện pháp can thiệp có mục tiêu…
Còn theo ông Kim Young Jin, Tổng Giám đốc Tổng công ty Winners Vina (một trong những công ty may mặc hàng đầu của Hàn Quốc) cho biết: Khảo sát đầu tư tại địa phương, nhà đầu tư nhận thấy các cơ quan chức năng của Thanh Hóa tạo điều kiện thực hiện các thủ tục nhanh chóng và thuận tiện. Là một tỉnh đông dân thứ 3 ở Việt Nam với nguồn lao động dồi dào, doanh nghiệp đánh giá lực lượng lao động của Thanh Hóa thích nghi khá nhanh khi đào tạo bài bản. Trong số 3.000 lao động, 35% có kỹ năng kỹ thuật tốt, hơn 40 % có trình độ tương đối tốt. Doanh nghiệp trả mức lương trung bình khá hợp lý là 2,8 triệu đồng/tháng/người. “Công ty đang xuất khẩu hơn 40 triệu USD sang thị trường Hoa Kỳ và doanh nghiệp dự định mở rộng các hoạt động đầu tư tại đây, “ông Kim Young Jin nói
Còn theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Thanh Hóa có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, vị trí địa lý chiến lược, nguồn lao động phong phú và trẻ. Tài nguyên thiên nhiên phong phú (tỉnh Thanh Hóa là trung tâm hàng đầu Việt Nam về trữ lượng đường mía, tre, nứa, luồng, xi măng, đá ốp lát …). Đây cũng là địa phương có nguồn cung cấp điện lực của Việt Nam cho khu vực phía Bắc (Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nghi Sơn II …). Về những điểm cần khắc phục, ông Atsusuke Kawada cho rằng, Thanh Hóa vẫn cần cải thiện thêm về đường cao tốc, môi trường nhà ở và cơ sở hạ tầng cho sinh hoạt dành cho người Nhật. Cần có thêm khu công nghiệp dành cho ngành sản xuất chế tạo, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ vẫn còn thiếu.
Nguồn Chinhphu.vn