Thứ Tư | 26/12/2012 18:10

WB: Các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ

Theo WB, tổng chi phí dự phòng của hệ thống ngân hàng đạt 75.000 tỷ đồng còn kém xa so với con số nợ xấu được công bố.
Theo báo cáo mới cập nhật về kinh thế Việt Nam của ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này đánh giá, sức khỏe của ngành ngân hàng vẫn tiếp tục gây ra nhiều lo lắng khi có nhiều thông tin gần đây về chất lượng của các khoản vay ngân hàng ngày càng giảm sút và tiến độ tái cơ cấu diễn ra chậm chạp.

Việc mở rộng tín dụng nhanh chóng trong nhiều năm, hệ thống quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, đi kèm khả năng giám sát còn khá yếu của các cơ quan quản lý nhà nước với một khung pháp lý chưa đủ mạnh đã khiến cho các vấn đề trong hệ thống ngân hàng ngày càng chồng chất, chẳng hạn như diễn biến trong mảng bất động sản và doanh nghiệp nhà nước, báo cáo cho hay.

Bên cạnh đó, hiện còn tồn tại một thực trạng là có nhiều con số khác nhau về quy mô nợ xấu. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng cho ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì nợ xấu là 4,93% tính đến cuối tháng 9/2012. Tuy nhiên, NHNN đã công bố con số nợ xấu là 8,82% theo tính toán riêng của cơ quan này.

WB cho rằng, chênh lệch giữa con số báo cáo và ước tính với nợ xấu hàm ý là các ngân hàng hiện vẫn chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, cho thấy tiềm lực vốn của các ngân hàng thấp hơn con số mà họ công bố.

Theo báo cáo, tổng chi phí dự phòng của hệ thống ngân hàng đạt 75.000 tỷ đồng vào cuối quý III, sau khi các ngân hàng đã xử lý 12.000 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng theo WB, số tiền dự phòng này vẫn còn xa so với con số nợ xấu được công bố là hơn 200.000 tỷ đồng, mà thực tế cũng còn thấp hơn so với ước tính theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để xử lý nhanh nợ xấu, NHNN đang xây dựng phương án xử lý nợ xấu để sớm trình Chính phủ xem xét. Việc thành lập một Công ty Quản lý Tài sản (AMC) có thể là một trong số những lựa chọn để ứng phó với vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn một số tranh luận chưa được ngã ngũ liên quan đến AMC bao gồm các nguồn tiền có thể huy động cho định chế này, mức giá chuyển nhượng cũng như quy trình cho việc đảm bảo nghĩa vụ và mức độ chịu trách nhiệm phù hợp của những con nợ trong toàn bộ quá trình (đặc biệt là khi hệ thống quy định về phá sản hiện tại chưa tạo được cơ chế hiệu quả cho việc xử lý các tài sản xấu).

Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các chuyên gia của WB đánh giá, các ngân hàng đã và đang rất thận trọng trong việc tiếp tục cho vay. Lần đầu tiên trong thời gian gần đây, tăng trưởng tín dụng hàng tháng là âm trong quý I/2012. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính tín dụng cả năm chỉ tăng 6,45% (thấp hơn mức thấp kỷ lục năm ngoái là khoảng 10%).
Nguồn: WB/Ngân hàng Nhà nước
Nguồn: WB/Ngân hàng Nhà nước

Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng trong ngành ngân hàng là tiền gửi dồi dào và tính thanh khoản của toàn hệ thống đã được tăng cường. Huy động vốn năm 2012 ước tăng 20,29%, trong đó huy động bằng VND tăng 24,81%, bằng ngoại tệ giảm 0,29%, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Ngoài ra, theo WB, một số vụ bắt giữ các cá nhân có liên quan đến một ngân hàng thương mại cổ phần gần đây khiến dư luận quan tâm đến vấn đề sở hữu chéo giữa các định chế tài chính và những tác động tiềm tàng đến tình trạng lành mạnh của các định chế liên quan cũng như đến toàn bộ hệ thống. Những điều này khiến cho mọi người càng thiếu chắc chắn về mức độ của các vấn đề và do vậy càng quan ngại nhiều hơn về tình trạng sức khỏe chung của ngành ngân hàng.

Với tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, WB nhận xét, việc cổ phần hóa - công cụ chính để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trước đây, đã chậm lại trong những năm gần đây. Đến cuối năm 2011, khoảng 4.000 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, chủ yếu thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương, nhưng từ năm 2008 đến năm 2011 chỉ cổ phần hóa toàn bộ được 117 doanh nghiệp.

Nguồn: WB
Nguồn: WB

WB cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu đến năm 2015 cổ phần hóa hơn 600 doanh nghiệp Nhà nước hiện nay do nhà nước nắm giữ 100%.

Nguồn Khampha


Sự kiện