Warburg Pincus: Quỹ "đại gia" mới đến từ Mỹ
Không thâm niên, kỳ cựu như các “lão tiền bối” VinaCapital, Dragon Capital hay Indochina Capital, quỹ đầu tư này mang lại một luồng gió mới cho thị trường với tác phong quyết đoán, khi “vung tay” lên đến trăm triệu USD cho mỗi giao dịch.
Warburg Pincus tham gia năng nổ trên tất cả các lĩnh vực từ bán lẻ, bất động sản, ngân hàng đến logistics và từng gặt hái không ít thành công. Chẳng hạn, khoản đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ Vincom Retail đã mang lại cho Warburg Pincus khoản lợi nhuận gấp đôi sau 4 năm đầu tư. Warburg Pincus là ai? Mục đích của quỹ đầu tư đến từ Mỹ này là gì?
Theo Bloomberg, Warburg Pincus LLC là quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân được thành lập từ năm 1939. Công ty này đặt tổng hành dinh tại Mỹ và có các văn phòng vùng tại châu Á, châu Âu và Canada. Theo thông tin từ Warburg Pincus, hiện quỹ này đang quản lý hơn 44 tỉ USD giá trị tài sản thông qua một danh mục đầu tư đa dạng, gồm hơn 150 công ty thuộc các khu vực địa lý khác nhau, ngành nghề khác nhau và giai đoạn tăng trưởng khác nhau.
Đây cũng là một đơn vị gọi vốn chuyên nghiệp, khi đã huy động vốn thành công lên đến 60 tỉ USD cho hơn 800 công ty trên toàn thế giới. Lĩnh vực chính mà quỹ đầu tư này hiện tập trung gồm năng lượng, dịch vụ tài chính, y tế - tiêu dùng, công nghiệp - sản xuất, bất động sản, công nghệ - truyền thông - liên lạc.
Theo tìm hiểu của NCĐT, biên độ giải ngân của Warburg Pincus từ 20 triệu USD đến 1 tỉ USD cho doanh nghiệp có giá trị dao động từ 100 triệu USD đến 15 tỉ USD. Báo cáo của The Deal và Crunchbase cho hay, giai đoạn 2005-2015, tỉ trọng đầu tư trong các lĩnh vực của Warburg Pincus là công nghệ - truyền thông - liên lạc (27%), y tế (22%), năng lượng (22%), dịch vụ tài chính (19%), sản xuất (8%) và các lĩnh vực khác, trong đó bất động sản chiếm 2%. Còn theo báo cáo của Warburg Pincus, tính đến thời điểm hiện tại, ngân sách đầu tư của quỹ này trong các lĩnh vực như sau: công nghệ (15 tỉ USD), y tế - tiêu dùng (15 tỉ USD), công nghiệp - sản xuất (7 tỉ USD), tài chính (5 tỉ USD) và khoản đầu tư cho lĩnh vực bất động sản sẽ dao động từ 1,2-2 tỉ USD.
Dựa trên các chỉ báo trên thị trường, Warburg Pincus đang có xu hướng chuyển dịch trọng tâm một cách mạnh mẽ sang châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc và Việt Nam sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn. Warburg Pincus hiện dành hơn 2 tỉ USD ngân sách đầu tư cho quỹ phụ thuộc tại Trung Quốc là Warburg Pincus China. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, được PwC dự đoán sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030.
Trong khi đó, nhờ vị trí địa lý gần gũi với công xưởng của thế giới - Trung Quốc, Việt Nam đang dần trỗi dậy như một điểm đến sản xuất mới của các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh giá nhân công ở Trung Quốc không còn rẻ như trước, một điều được đề cập trong báo cáo Việt Nam 2035 của World Bank. Năm 2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,81%, cao nhất từ năm 2010. Tại Việt Nam, Warburg Pincus đang quan tâm đến các lĩnh vực như tiêu dùng, ngân hàng, logistics và bất động sản qua một loạt các thương vụ diễn ra.
Gần nhất là thương vụ đầu tư vào một ngân hàng tư nhân lớn. Cụ thể, vào ngày 3.3, Đại hội cổ đông Techcombank đã thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác đầu tư. Chỉ 10 ngày sau đó Techcombank đã công bố khoản đầu tư lên tới hơn 370 triệu USD (gần 8.400 tỉ đồng) từ Warburg Pincus. Quỹ này đang nhắm tới một thị trường có cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh và dư địa phát triển còn nhiều tiềm năng của ngành ngân hàng khi 90% người dân vẫn chưa dùng thẻ tín dụng và 2/3 dân số vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Và Techcombank chính là ứng viên tiềm năng trong mắt quỹ đầu tư này.
Ngoài ra, Warburg Pincus còn dự định “đi tắt đón đầu” khi đầu tư mạnh vào hệ thống logistics, kho bãi, với mục đích xây dựng bàn đạp vững chắc khi Việt Nam chuyển dịch sang nền kinh tế sản xuất - dịch vụ trước trào lưu di chuyển dây chuyền sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia từ Trung Quốc sang đất nước hơn 90 triệu dân.
Đáng chú ý, Warburg Pincus đã bắt tay với một trong những tập đoàn đầu ngành về logistics - kho bãi như Becamex IDC. Ngày 12.2, thông qua cầu truyền thông tại Singapore và TP.HCM, Becamex IDC và Warburg Pincus đã công bố thành lập liên doanh có tên là Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW với mục tiêu tập trung vào bất động sản công nghiệp, kho bãi và dây chuyền logistics khép kín. Vốn đầu tư cam kết cho liên doanh này lên đến hơn 200 triệu USD.
Không phải tự nhiên Warburg Pincus lại hào phóng với Becamex IDC. Cần biết rằng, Becamex IDC là doanh nghiệp đầu ngành về phát triển bất động sản công nghiệp, với việc kiến tạo hơn 10 khu công nghiệp hàng đầu đạt chuẩn quốc tế, trong đó nổi bật nhất là mạng lưới Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Khách hàng của Becamex IDC là những tập đoàn quốc tế, trong đó có không ít tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500. Becamex IDC cũng được biết đến là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn nhất hiện nay.
Trước đó, tháng 11.2016, Warburg Pincus đã bắt tay với VinaCapital khi thành lập liên doanh chung và cam kết dành 300 triệu USD vốn ban đầu để mua lại Serenity Holding và một số khách sạn được lựa chọn tại Việt Nam. Mục tiêu của liên doanh này là nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển bùng nổ của ngành du lịch Việt Nam trong vòng 5-10 năm tới. Năm 2013, Warburg Pincus cũng đã rót vốn vào Vincom Retail với số tiền 200 triệu USD và tăng thêm 100 triệu USD vào năm 2015. Tính đến thời điểm này, ước tính quỹ đầu tư Mỹ đã lãi gấp đôi sau 4 năm đầu tư vào Vincom Retail.
Nhìn chung, mục tiêu của Warburg Pincus là thâm nhập vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam như tiêu dùng, bất động sản, ngân hàng và logistics. Cũng như các quỹ ngoại khác, Warburg Pincus sẵn sàng cộng tác với những doanh nghiệp Việt đầu ngành đang nắm giữ lợi thế thị trường như quỹ đất rộng, thị phần lớn, nhân lực giỏi và kiến thức địa phương chuyên sâu.
Một bên có tài chính mạnh mẽ và kinh nghiệm toàn cầu, một bên có lợi thế về kiến thức địa phương. Những sự kết hợp như vậy hứa hẹn sẽ cải thiện tính thanh khoản của thị trường Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mang đến môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn