Thứ Tư | 14/08/2013 09:54

Wall Street Journal: Kinh tế Việt Nam đang vững lên

Việt Nam sẽ tạo ra những chuyển biến lớn trong năm 2014, chuyên gia nhận định.
Kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu vượt qua những khó khăn kinh tế vào thời điểm hầu hết các thị trường mới nổi trong khu vực bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng và kinh tế Việt Nam nói chung đang khởi sắc trong khi Chính phủ thúc đẩy niềm tin bằng cách từng bước giải quyết hàng loạt vấn đề đã khiến tăng trưởng kinh tế năm 2012 chậm nhất 13 năm. Doanh số bán ô tô tháng 7 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giải ngân vốn đầu tư của nước ngoài mà chủ yếu từ các công ty công nghệ cao tăng 6,4% lên 6,65 tỷ USD.

Tăng trưởng tín dụng cũng bắt đầu hồi phục sau khi Chính phủ lập công ty quản lý tài sản quốc gia mua lại nợ xấu của các ngân hàng. Cụ thể, tổng tín dụng 7 tháng đầu năm tăng 5,15%, tăng mạnh so với mức 0,3% trong 3 tháng đầu năm mặc dù vẫn thấp hơn mục tiêu 12% trong năm 2013 mà Chính phủ đề ra.

Nhà đầu tư cũng bắt đầu nhận thấy những tín hiệu khởi sắc này. VN-Index tăng khoảng 20% kể từ đầu năm và trở thành một trong những chỉ số tăng mạnh nhất ở châu Á vào thời điểm mà các thị trường lớn hơn trong khu vực như Thái Lan chỉ tăng trưởng ở mức 1 con số.

Wall Street Journal nhận định, Việt Nam đang thể hiện cái gọi là thị trường sơ khai có thể mang lại lợi nhuận cao ngay cả khi các thị trường mới nổi đang tăng trưởng chậm lại. Chỉ số MSCI thị trường sơ khai gồm 32 quốc gia tăng 14% kể từ đầu năm đến nay bất chấp lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ và nguy cơ Mỹ giảm dần kích thích kinh tế vốn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường mới nổi những tháng gần đây.

Kinh tế Việt Nam nói chung cũng cho thấy những dấu hiệu ổn định. Tăng trưởng GDP quý II đạt 5%, so với 4,8% cùng kỳ năm ngoái. Giới lãnh đạo và các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn.

"Mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra con số dự báo cho quý III nhưng tăng trưởng kinh tế quý này có thể nhanh hơn 2 quý trước”, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết. Việt Nam dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay, so với 5,03% năm 2012.

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho rằng, tín dụng tăng và đầu tư nước ngoài tăng gần 1 tỷ USD/tháng sẽ duy trì đến cuối năm.

Tuy nhiên, Wall Street Journal cũng cảnh báo, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như vấn đề trong lĩnh vực nhà đất, xây dựng sau khi bong bóng bất động sản vỡ gây hệ quả nợ xấu. Sau nhiều tháng trì hoãn, tháng 7 vừa qua, Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) chính thức được thành lập nhưng đến nay vẫn chưa bắt tay giải quyết nợ xấu khiến các ngân hàng vẫn lo ngại khi tăng cường cho vay vào thời điểm nợ xấu chiếm tới 15% tổng dư nợ theo ước tính của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chỉ mới đạt được rất ít tiến bộ trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng bày tỏ lo ngại về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất quá nhanh, quá mạnh. Phái đoàn của IMF làm việc tại Việt Nam hồi tuần trước đã hối thúc Việt Nam nên tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, những tín hiệu khởi sắc của kinh tế Việt Nam vẫn làm dấy lên lạc quan rằng nền kinh tế từng được coi là một trong những điểm sáng nhất của châu Á đang trở lại. Nhà đầu tư có thể sớm đổ thêm tiền vào Việt Nam. Đặc biệt khi Chính phủ đang cân nhắc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở các công ty niêm yết lên 59% từ mức 49% hiện tại sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn.

Chuyên gia kinh tế tại Maybank Kim Eng, Michael Kokalari trong báo cáo hồi tháng này cho rằng, Việt Nam sẽ tạo ra những chuyển biến lớn trong năm 2014.

Nguồn WSJ/Dân Việt


Sự kiện