Thứ Tư | 18/03/2015 14:55

Wall Street Daily: Đầu tư nông nghiệp Việt Nam hấp dẫn

Một số cổ phiếu nông nghiệp hấp dẫn được Wall Street Daily đưa ra như APC, VNM, AGF...

Tờ Wall Street Daily của Mỹ vừa đăng một bài nhận định về cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Bài báo nhận định, năm 2009, các nước thuộc nhóm CIVETS gồm Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi là các nước mới nổi hấp dẫn giới đầu tư. Đến tạn ngày nay, tuy không phải tất  cả các nước trong CIVETS nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Thực tế theo đánh giá trên blog Frontiers của Thời báo Phố Wall và Chỉ số tâm lý thị trường sơ khai của FSG, Việt Nam là quốc gia được giới đầu tư quốc tế quan tâm thứ 2 và giờ là thời điểm thích hợp để đầu tư vào Việt Nam.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,4% trong quý I/2015 và mục tiêu cả năm là 6,2%. Ủy ban cũng dự báo, lạm phát lõi năm nay khoảng 3% do giá dầu giảm và xu hướng lạm phát tăng chậm lại trong những năm gần đây.

Việt Nam có ưu thế về nhân công giá rẻ so với các nước ASEAN khác, trong khi cơ cấu dân số học hứa hẹn tỷ lệ dân số có trình độ học vấn tương đối cao, tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề.

Được biết đến với nền văn minh lúa nước, đến ngày nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việt Nam có khoảng 10,3 triệu hecta đất canh tác, đem lại giá trị xuất khẩu nông nghiệp lớn, khoảng 30 tỷ USD/năm, hay 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thực tế, kim ngạch xuất khẩu nông sản bình quân của Việt Nam vào Mỹ từ 2011 – 2013 khoảng 1,17 tỷ USD, gần gấp đôi kim ngạch xuất vào thị trường Nhật Bản (521 triệu USD), theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Việt Nam cũng chứng kiến sự bùng nổ tăng trưởng thương mại. Kể từ sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, giá trị trao đổi thương mại nông nghiệp nội khối đã tăng đáng kể. Việt Nam cũng được hưởng lợi đáng kể từ việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ 2001 cũng như gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007.

Ngày nay, hoạt động trao đổi thương mại nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu với các đối tác ASEAN, nhưng nếu tính theo quốc gia, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất, tiếp đến là Mỹ.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được thông qua có thể coi là yếu tố quan trọng đối với chiến lược kinh tế dài hạn của Việt Nam. TPP có thể giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường nước ngoài rộng lớn hơn, thúc đẩy dòng tiền đầu tư nước ngoài, giảm thuế quan.

Trong khi đó, theo Corr Analytics và Vietnam Report nhận định, việc Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực nông nghiệp.

Theo nhận định của Wall Street Daily, đầu tư góp vốn tư nhân (private equity) là cách để tiếp cận thị trường nông nghiệp hấp dẫn của Việt Nam. Một số cổ phiếu nông nghiệp hấp dẫn được Wall Street Daily đưa ra như APC của Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú, VNM của Vinamilk, SEC của Công ty cổ phần Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai, AGF của Công ty cổ phần XNK Thủy Sản An Giang, …

Nguồn DVO/Wall Street Daily