Thứ Năm | 18/08/2016 08:00

Vương quốc trái không hạt

Trái không hạt thay đổi cách nhìn về tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Chanh giấy không hạt cách đây vài năm trở thành “cơn sốt” tại nhiều địa phương trên cả nước. Ít ai biết đến người đã gieo giống thành công loại trái này là lão nông tỉ phú Lê Văn Xê ở Bình Dương, vẫn được gọi thân mật là ông Sáu Xê. Để có được giống chanh lạ, ông Xê từng gom góp hết tiền bạc, liều mình khăn gói sang tận California, Mỹ, để tìm mua 100 cây chanh giống và tìm mọi cách để đưa về Việt Nam. Đây là chuyện không tưởng đối với một nông dân “Hai lúa” như ông Xê. Ông kể, hành trình sang Mỹ của mình bắt đầu từ chuyến đi Singapore. Tại đây, ông sửng sốt khi thấy khách sạn có bán trái chanh bỏ trong ly cocktail với giá 5 USD (100.000 đồng). Từ đó, ông quyết tâm tìm ra được giống chanh đắt gấp hàng trăm lần chanh Việt Nam đó, dù nó ở tận... Mỹ.

Từ 100 cây chanh nhập khẩu ban đầu về Việt Nam, ông Xê đã chiết giống và lai tạo được cây giống bán cho bà con ở các địa phương như Đồng Tháp, Bến Tre... Với diện tích hơn 40 ha, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận hàng chục tỉ đồng từ chanh giấy không hạt.

Thành công của chanh giấy không hạt là động lực giúp lão nông được mệnh danh là “giỏi hơn cả các chuyên gia nông nghiệp” tiếp tục “liều” với nhiều giống cây mới lạ. Khởi nghiệp từ vườn cam rộng hơn 1 ha, sau hơn 30 năm, “vương quốc” của các loại trái có múi không hạt của ông Sáu Xê hình thành, mang lại cho gia đình ông mỗi năm gần 40 tỉ đồng, cũng như tạo thêm cơ hội xuất khẩu cho trái cây Việt Nam.

Chúng tôi thăm vườn bưởi da xanh trong Trang trại Phương Uyên (Bắc Tân Uyên, Bình Dương) của ông Xê những ngày cuối tháng 7. Vườn được trồng trên nền đất phù sa cổ rất màu mỡ, dưới những tán lá xanh mướt, trĩu nặng những trái bưởi lớn nhỏ căng mọng. Hiện tại, bưởi được phân thành 4 loại, được thu mua tại vườn thấp nhất cũng hơn 30.000 đồng và cao nhất cũng hơn 70.000 đồng mỗi kg. “Đây là những cây bưởi được trồng cách đây 18 năm và tôi tự hào nói rằng đây là một trong những vườn bưởi bền vững nhất Việt Nam hiện nay. Bởi vì, bưởi tại một số vùng như Bến Tre, Sóc Trăng... chỉ cho năng suất từ 6-7 năm là thành bưởi lão và giảm giá trị kinh tế”, ông Xê tự hào khoe.

Hiện tại, chỉ riêng diện tích bưởi da xanh không hạt tại vườn của ông Xê đã hơn 40 ha, trồng liên kết cùng bà con nông dân hơn 100 ha khác. Theo ông Xê, đầu tư 1 ha bưởi mất khoảng 60-70 triệu đồng, sau 3 năm sẽ mang về 300-400 triệu đồng. Đến năm thứ 5 trở đi không cần đầu tư nhiều nữa. Trung bình mỗi năm có thể thu hoạch khoảng 4 lần, 1 ha khoảng 60 tấn trái. Được biết, vườn bưởi của ông Xê 1 ha mỗi năm mang lại 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, mỗi năm ông Xê đều xuống giống cây mới, chỉ riêng năm nay đã cung ứng cho thị trường hơn 1.000 cây giống bưởi cho khắp nơi.

Mặc dù sẵn sàng hỗ trợ người nông dân có nguyện vọng trồng và phát triển những giống cây mới, nhưng ông Xê cũng cho biết, cần theo dõi cũng như tìm hiểu kỹ về tính chất của đất để có kỹ thuật canh tác hợp lý. “Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, có thể trồng cây trên mọi loại đất, nhưng mỗi nơi sẽ cho chất lượng khác nhau. Do đó, bà con cần tìm hiểu kỹ chất lượng đất, để kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng và cân đối, bổ sung cân vi lượng cho phù hợp...”, ông Xê chia sẻ kinh nghiệm.

Bưởi của Trang trại Phương Uyên không xuất khẩu trực tiếp mà thông qua các đơn vị xuất khẩu. Bưởi được xuất sang thị trường Mỹ, Thái Lan, Lào, Trung Quốc và sắp tới là Singapore. Mới đây, đối tác Nhật đã sang tìm hiểu và đặt vấn đề liên kết với Trang trại Phương Uyên. Tin vui khác là trong “vương quốc trái không hạt” của Phương Uyên có thêm 3 giống cây mới gồm cam ruột đỏ Cara từ Úc, quýt ruột đỏ không hạt và loại cam Navel từ bang Arizona (Mỹ). Tính đến nay, vườn của ông Xê đã có 50 ha cam, dự kiến sang năm sẽ có thành phẩm bán ra thị trường. “Nếu bà con có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, tôi sẵn sàng giúp đỡ”, ông Xê cho biết.

Theo lão nông tỉ phú này, Việt Nam có những loại trái cây truyền thống có giá trị cao, chất lượng ngon như cam sành, quýt đường, cam xoàn... nhưng chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Những giống cây này phát triển diện tích lớn, có thể bão hòa. “Khi cao su mất giá, bà con ồ ạt trồng cam sành, nhưng trái cam này không thể để quá 10 ngày, sau đó sẽ bị hư, khô da và do có hạt nên khó xuất khẩu. Đây là lý do trái cam của Việt Nam dù chất lượng tốt hơn nhưng không đủ sức cạnh tranh so với những trái cam của Mỹ hay Trung Quốc đẹp về hình thức”, ông Xê nhận định. Theo ông Xê, chính những giống trái cây mới có thể thay đổi nghịch lý này.

“Tôi đã mang về và phát triển được một phần, phần còn lại trông chờ vào Chính phủ và các bộ ngành cùng giúp sức. Nếu có sự kết hợp nhịp nhàng thì trái cây Việt Nam đủ sức xuất khẩu và nông dân có thể làm giàu trên quê hương của mình là điều không khó”, ông Xê tự tin khẳng định.

Đức Tài