Thứ Sáu | 23/11/2012 09:31

Vùng tây bắc Campuchia mời gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư

Lãnh đạo các tỉnh vùng tây bắc Campuchia đang mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch và dịch vụ.
Sáng 21/11/2012, trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cùng sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang tổ chức hội thảo “Xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch vào vùng Tây bắc Campuchia năm 2012” tại tòa thị chính Battambang.

Hiện nay, kim ngạch thương mại giữa TPHCM và Campuchia năm sau tăng cao hơn năm trước bình quân 40%. Ngoài ra, tính đến tháng 10/2012, các doanh nghiệp ở TPHCM đã có 41 dự án được cấp giấy phép đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn gần 314 triệu USD. Tuy nhiên, trao đổi thương mại, đầu tư của TPHCM vào các tỉnh vùng tây bắc Campuchia còn khiêm tốn.

Bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TPHCM, nhận định 6 tỉnh vùng tây bắc Campuchia có những lợi thế về tự nhiên do đó triển vọng phát triển kinh tế rất lớn trên mọi lĩnh vực. Vùng tây bắc Campuchia tuy xa Việt Nam nhưng giao thông cũng khá thuận lợi, có nhiều đường quốc lộ, đường thủy, đường hàng không đều khá phát triển.

Cụ thể, ông Prach Chann, tỉnh trưởng tỉnh Battambang cho biết, các tỉnh tây bắc đều thuận lợi để phát triển nông nghiệp và muốn thu hút đầu tư sản xuất gạo, hoa màu, cây công nghiệp…

Ngoài ra, các tỉnh còn có nhiều đền đài cổ và hồ sinh thái nên rất khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Thêm vào đó, 2 tỉnh Oddar Meanchey, Pailin còn có tiềm năng khoáng sản và đá quý nên đang khuyến khích đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, ông Prach Chann cũng cho biết chính phủ Campuchia đang muốn phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe rộng khắp cả nước. Tỉnh sẽ trao đổi với các bộ có liên quan, sau đó trình Thủ tướng để chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế.

Tiến sĩ Phou Puy, chủ tịch phòng thương mại Battambang – Pailin, chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội nhà máy xay xát lúa gạo Campuchia khẳng định có thể hợp tác ngay với các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư đất trồng lúa, nhà máy chế biến gạo cung ứng cho xuất khẩu; đầu tư các chợ rau quả.

Theo khẳng định của ông Prach Chann, việc liên doanh, hợp tác giữa các công ty tư nhân dễ dàng được thực hiện nếu hai bên thấy thuận lợi. Chính phủ bảo vệ cho doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước. Nếu như nhà đầu tư nước ngoài muốn liên doanh với công ty Campuchia phải thành lập công ty liên doanh, không nhất thiết cổ phần trong nước cao hơn nước ngoài.

Nguồn SGTT


Sự kiện