Các nhà đầu tư khác còn dành sự quan tâm lớn đến tiềm năng kinh tế của thành phố biển miền Đông. Ảnh: thixaphumy.com

 
Sơn Nguyễn Thứ Năm | 21/10/2021 13:30

Vũng Tàu đón sóng tỉ USD

Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ 5 yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường bất động sản.

20 tỉ USD là số vốn mà tập đoàn Quantum (Mỹ) đề xuất đầu tư vào Việt Nam, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu là thị trường trọng điểm. Cụ thể, nhà đầu tư này muốn đầu tư nhà máy điện Long Sơn, các dự án hạ tầng như cảng Long Sơn (bao gồm cả cảng khí để cung cấp cho khu công nghiệp và hộ gia đình sau này). Quantum cũng bày tỏ mong muốn rót vốn vào mảng logistics tại Vũng Tàu và xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.

Các nhà đầu tư khác còn dành sự quan tâm lớn đến tiềm năng kinh tế của thành phố biển miền Đông. Hiện các khu công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm sáng nhờ hưởng lợi cơ sở hạ tầng với cảng biển và sân bay quốc tế. Hãng JLL Việt Nam cho biết đã ghi nhận nhiều giao dịch được hoàn tất tại Bà Rịa - Vũng Tàu bất chấp đại dịch bùng phát. Các thỏa thuận thuê đất chủ yếu đến từ các nhà sản xuất công nghiệp nặng yêu cầu quỹ đất rộng lớn. Gần đây, Tập đoàn Amata (Thái Lan) còn đề xuất nghiên cứu dự án đầu tư Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức với tổng diện tích khoảng 3.800 ha.

Khu vực Phú Mỹ và Châu Đức đang là tâm điểm của bất động sản công nghiệp, dịch vụ kho bãi nhờ tận dụng lợi thế gần cảng Cái Mép để trở thành trọng điểm khu công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu, chiếm khoảng 70% diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh. Theo thống kê từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ đang là địa bàn phát triển nhiều khu công nghiệp nhất, với tổng diện tích hơn 4.985 ha, chiếm hơn 48% tổng diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh, tiếp theo là huyện Châu Đức với 3.082 ha khu công nghiệp và chiếm gần 30%.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm nay, địa phương hướng tới mục tiêu thu hút 30 dự án đầu tư nhưng chỉ trong 8 tháng đầu năm đã có 39 dự án đầu tư được cấp mới. Tổng vốn thu hút hơn 945 triệu USD, đạt hơn 150% kế hoạch năm và tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020.

JLL Việt Nam dự báo, giá thuê đất công nghiệp tại miền Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đối với nhà xưởng xây sẵn, khoảng 940.000 m2 mới sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thị trường hồi phục trở lại. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ tiềm năng của Bà Rịa - Vũng Tàu trong định hướng phát triển các dự án công nghiệp.

Bất động sản nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng cũng nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Hưng Vượng Holdings đã mua lại 2 dự án, quy mô hơn 30 ha ở Bà Rịa - Vũng Tàu để sẵn sàng đưa vào kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tập đoàn Novaland đang nghiên cứu triển khai dự án Novaworld Hồ Tràm và khu công viên thú hoang dã safari với quy mô hàng trăm ha. Những thương hiệu rót vốn vào Bà Rịa - Vũng Tàu còn là Hưng Thịnh, An Gia, DIC Corp...

Nhân tố lôi kéo các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới ở thành phố biển đến từ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ hưởng lợi từ các dự án hạ tầng trọng điểm. Đơn cử như sân bay quốc tế Long Thành khi đi vào vận hành từ năm 2025 có thể vận chuyển hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Vũng Tàu. Mới đây, Cảng hàng không Côn Đảo cũng chính thức được phê duyệt nâng cấp lên 4C với công suất 2 triệu hành khách/năm, gấp 4 lần so với hiện nay.

Hiện tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang gấp rút triển khai các thủ tục để sớm khởi công. Trong khi tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải - cầu Phước An và đoạn tuyến kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành đang đẩy nhanh tiến độ, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đến TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Ảnh: Quý Hoà
Gần đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Quý Hoà

Ngoài ưu thế về cảng nước sâu thuận lợi cho công nghiệp, năng lượng, kho bãi..., Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có thể hưởng lợi nhờ xu thế du lịch ngắn ngày (staycation) và thị trường ngôi nhà thứ 2 (second home) có thể tăng trưởng lành mạnh trong thời gian tới. Báo cáo về mức độ quan tâm của nhà đầu tư quý II/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy thành phố Vũng Tàu đứng ở top 3 lượng tìm kiếm trong số các tỉnh miền Nam. Hơn nữa, chỉ số quan tâm trong quý II tiếp tục tăng mạnh so với quý I, phản ánh phần nào nhu cầu mua bất động sản của người dân vẫn mạnh mẽ. Giá đất tại thị trường này luôn giữ mức tăng trưởng ổn định, từ 20-30%/năm. Và thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng giá nhanh hơn khi các thông tin đầu tư hạ tầng được đẩy mạnh.

Gần đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đặt mục tiêu phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu thành 1 trong 4 trụ cột kinh tế: xây dựng hình ảnh điểm đến, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế với nhiều loại hình du lịch - giải trí đặc sắc. Tỉ trọng đóng góp hoạt động du lịch vào khoảng 12% GRDP dự báo toàn tỉnh vào năm 2030.

Theo chia sẻ của ông Phạm Linh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Á, thời gian tới, thị trường khu Đông, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nhận được cơ hội phát triển hậu đại dịch. Xu thế này nhờ Chính phủ gia tăng đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông. Lãi suất cho vay sẽ giảm theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, nguồn kiều hối vẫn tăng mạnh là bệ phóng hỗ trợ cho thị trường.

Có thể thấy, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ 5 yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường bất động sản, bao gồm: lợi thế từ sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu lớn nhất Đông Nam Á, nhiều khu công nghiệp lớn, có du lịch phát triển mạnh, thị trường thu hút nhà đầu tư bởi mức giá đất nền đang rẻ và nhiều dư địa tăng giá.