Minh Phú cũng đang dự định phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Ảnh: Quý Hòa
Vua tôm Minh Phú: Qua thời hoàng kim, tìm đường trở lại sàn chứng khoán
Khao khát tìm nhà đầu tư
Thế nhưng, đi qua thời hoàng kim, Minh Phú giờ đã khó huy động vốn hơn thời điểm những năm 2011 - 2015. Mặc dù vẫn là công ty có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhì thị trường xuất khẩu thuỷ sản.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú (MPC) vừa quyết định chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 68,46 triệu cổ phiếu thưởng do tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tính ra, tỉ lệ phát hành 1:1, vốn điều lệ được tăng lên gấp đôi. Việc tăng vốn nằm trong kế hoạch tăng vốn lên gấp 3 và quay lại sàn niêm yết sau 3 năm huỷ niêm yết tự nguyện của "vua tôm" Minh Phú.
Minh Phú cũng đang dự định phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Việc mở room ngoại lên 100% cũng là bước đệm để đón thêm các nhà đầu tư mới của Minh Phú.
Việc cho phép nhà đầu tư ngoại nắm giữ tối đa 100% tổng số cổ phiếu đang lưu hành chứng tỏ Minh Phú đang rất khao khát có nhà đầu tư ngoại tham gia vào công ty. Trước đây, lý do Minh Phú rút khỏi sản chứng khoán cũng vì muốn cơ cầu lại công ty để đón nhà đầu tư ngoại. Trở lại sàn chứng khoán, Minh Phú hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại sau 2 năm kinh doanh khá bết bát.
Với tình hình kinh doanh hiện tại, Minh Phú vẫn là một công ty có doanh thu lớn và đứng đầu thị trường xuất khẩu tôm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm đạt 3,85 tỉ USD, trong đó, Minh Phú đạt 692,5 triệu USD. Nhưng ngành thuỷ sản nói chung, Minh Phú nói riêng đều không còn tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại nữa. Lý do, ngành thuỷ sản hiện đã qua thời điểm tăng trưởng và ổn định.
Doanh thu của Minh Phú năm 2017 tăng đến 41% so với năm trước, và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi giá vốn thấp hơn phản ánh sự ủng hộ rất lớn của thị trường. Theo đó, sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp này đạt mức lãi ròng đến 642 tỉ đồng, tăng 8 lần so với năm 2016.
Mặc dù báo cáo lợi nhuận đột biến trong năm 2017, nhưng chỉ hoàn thành 85% kế hoạch đề ra và bản thân Vua tôm vẫn còn những mối lo chưa được giải toả. Đặc biệt, lợi nhuận của Minh Phú vẫn thiếu tính ổn định dù doanh thu trên đà tăng trưởng đều đặn. Đặc biệt trong 6 năm gần nhất, lơi nhuận của Minh Phú có xu hướng tăng mạnh rồi giảm đột ngột trong 2 năm tiếp theo.
Quay trở lại từ những năm 2006 cũng cho thấy điều tương tự, lợi nhuận của Minh Phú vẫn thiếu tính ổn định mà theo chiều hướng năm được năm mất. Nguyên nhân một phần do yếu tố thị trường nhưng cũng một phần do sự chuẩn bị và dự đoán thị trường của Minh Phú chưa thật sự tốt.
Ở vị trí doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, Minh Phú phải luôn có những phương án đối phó với những thay đổi thị trường. Và dù doanh nghiệp kinh doanh có lãi lớn trong năm 2017 nhưng dòng tiền kinh doanh âm và nợ vay thì không được cắt giảm là một tín hiệu không khiến giới đầu tư an lòng.
Báo cáo tài chính quý IV năm ngoái cho thấy, đến 31.12.2017, Minh Phú có tổng nguồn vốn kinh doanh gần 9.500 tỉ đồng. Trong đó, các khoản nợ phải trả đang chiếm phần lớn với 6.500 tỉ đồng. Đặc biệt là khoản nợ vay phải trả lãi tổng cộng 5.500 tỉ đồng. Trong những năm qua, chi phí tài chính của Minh Phú chiếm rất lớn trong tổng chi phí. Đây là ẩn số lớn khiến cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường không thuận lợi.
Năn nỉ để được huỷ niêm yết
Thành lập từ 1992, Công ty Thủy sản Minh Phú không chỉ được mệnh danh là “vua tôm” tại Việt Nam, mà còn nằm trong số các nhà xuất khẩu tôm lớn được biết đến nhiều tại thế giới. Giai đoạn 2009 – 2014 là thời kỳ hoàng kim của Minh Phú với kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng.
Trong đó, năm 2014 được xem là đỉnh cao của Công ty khi doanh thu lên tới 15.094 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 921 tỉ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 729 triệu USD, chiếm 18,8% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước, 4,24% giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ và 5,6% của Nhật Bản. Cũng phải nói thêm, trong thời điểm năm 2014, thị trường tôm thế giới có nhiểu biến động ảnh hưởng đến tôm trong nước nhưng Minh Phú vẫn xuất sắc về đích với kết quả bất ngờ.
Dù thời điểm đó, ông Lê Văn Quang Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú, từng chia sẻ nhiều lo ngại. Lúc này, Minh Phú đang được nhiều nhà đầu tư để ý, trong đó có nhà đầu tư Nhật đã tiếp xúc và đặt vấn đề với Minh Phú. Lúc này Minh Phú có nhiều lựa chọn và cổ phiếu tăng cao liên tục, nhưng Minh Phú lúc này nhiều tham vọng muốn tham gia vào thị trường thế giới, cạnh tranh với doanh nghiệp thuỷ sản Thái Lan.
Đầu năm 2015, "vua tôm" đã khiến giới đầu tư tài chính bất ngờ khi đưa ra quyết định táo bạo là rút khỏi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh sau khi công bố lãi đậm trong năm trước đó và giá cổ phiếu vẫn được neo ở mức cao 122.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó, ông Quang từng năn nỉ cổ đông nhỏ lẻ bán lại cổ phiếu để được rời sàn.
Ông Lê Văn Quang, từng chia sẻ đưa ra là công ty đang tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng việc niêm yết trên sàn chứng khoán gây cản trở khả năng tăng vốn của công ty khi Minh Phú muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng lại bị giới hạn room ngoại ở mức 49%.
Thế nhưng, sau khi xuống sàn với bao nhiêu chiến lược được đưa ra, nhưng Minh Phú lại nêm phải cay đắng khi phải trải qua 2 năm liền suy thoái. Tại thị trường các nước cạnh tranh, “Giá tôm của các nước Ấn Độ, Indonesia, Ecuador thấp hơn của Việt Nam khoảng 1 USD/kg và chất lượng tôm đảm bảo hơn nên hàng Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Phú từng chia sẻ. Thống kê từ Vasep cũng cho thấy, giá tôm sú (tôm vỏ đông lạnh) từ Việt Nam tại New York (Mỹ) luôn luôn cao hơn sản phẩm cùng kích cỡ từ các nước khác tại cùng thời điểm. Điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh cảu thị trường tôm Việt.
Năm 2015, 2016, vua tôm chỉ lãi tượng trưng trước khi có sự đột phá năm 2017 nhờ sự sôi sục của thị trường Trung Quốc. Thay vì tiếp tục tăng trưởng theo kỳ vọng, kết quả kinh doanh của Minh Phú lại lao dốc cùng sự khó khăn của thị trường xuất khẩu tôm. Năm 2015, Minh Phú chỉ đạt 12.200 tỉ đồng doanh thu, hoàn thành 63% kế hoạch cả năm, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 7 tỉ đồng.
Năm 2016, công ty này đặt mục tiêu thận trọng hơn với 16.300 tỉ đồng doanh thu và gần 550 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, đến hết năm, hoạt động của Công ty vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi doanh thu đạt 11.963 tỉ đồng, lợi nhuận vỏn vẹn 82 tỉ đồng. Trong năm 2015 - 2016, lãi vay của Minh Phú vào khoảng 218 tỉ đồng/năm, tăng 30,5% so với 2014, chiếm tỷ trọng lớn so với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây cho biết, thị trường xuất khẩu tôm đã rất khởi sắc trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2016. Đóng góp rất lớn vào tăng trưởng trên đến chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng trên 60% và sắp vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường đứng thứ 2 chỉ sau EU.
Trở lại sàn chứng khoán khi giới hạn room đã được gỡ bỏ và Minh Phú đã bắt đầu có động thái tăng vốn điều lệ và chào đón nhà đầu tư ngoại. Nhưng tình hình chưa mấy khả quan. Bài học của "vua cá tra" Hùng Vương đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn còn đó. Duy trì một mức nợ vay lớn để kinh doanh trong thực tế khác hẳn với lý thuyết trong bối cảnh mặt bằng lãi suất Việt Nam vẫn đang còn rất cao. Và thực tế, hàng loạt doanh nghiệp ngành thuỷ sản Việt Nam từng nhiều phen điêu đứng vì tình cảnh tương tự.
Bước sang năm 2018, Minh Phú tham vọng đạt kim ngạch xuất khẩu hợp nhất 800 triệu USD, với tổng doanh thu thuần hợp nhất 18.200 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 990 tỉ đồng, tăng 8 và 9% so với năm trước.