Mô hình của Minh Phú là phải mua tôm từ nông dân với giá đảm bảo để người nuôi có lời, nhằm tránh việc nông dân rời bỏ chuỗi cung ứng. Ảnh: TTXVN.
“Vua tôm” Minh Phú gồng khó
Vừa có lãi trở lại ở quý trước, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lại lần nữa báo lỗ hơn 26 tỉ đồng trong quý III/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần chỉ đạt 7.465 tỉ đồng, giảm 46%. Sau khi trừ các chi phí, “vua tôm” lỗ 109,7 tỉ đồng so với khoản lợi nhuận 571 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Rào cản của chuỗi giá trị con tôm
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú, từng giải thích về khó khăn này là do phải cạnh tranh gay gắt với tôm của Ấn Độ và Ecuador. Chẳng hạn, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu đối với size 50-60 con mỗi kg của Ecuador chỉ khoảng 2,3-2,4 USD, trong khi của Ấn Độ là 3,4-3,8 USD, còn Việt Nam lên đến 4,8-5 USD.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tăng cường thu mua tôm từ các nước khác trong khi giảm đặt mua các sản phẩm tôm từ Việt Nam. Lượng tôm nhập khẩu trong quý I/2023 của Trung Quốc từ Ecuador tăng 43%, từ Ấn Độ tăng 16%, từ Argentina tăng 205% so với cùng kỳ năm trước... Thậm chí, Minh Phú còn nhận chào bán từ doanh nghiệp 2 thị trường này với giá cạnh tranh hơn cả giá mua từ nông dân trong nước từ 10% đến hơn 14%.
Tình cảnh này khiến Minh Phú phải báo lỗ và ngày càng xa thời hoàng kim của “vua tôm”. Nhớ lại, năm 2014 Minh Phú đạt lãi ròng gần 800 tỉ đồng, cũng là con số cao nhất trong lịch sử phát triển của Công ty. Thời điểm này, Công ty cũng bắt đầu nhắc đến mục tiêu trở thành “doanh nghiệp tỉ USD”. Với tiềm lực của mình, Minh Phú xây dựng được chuỗi giá trị tôm từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu, phân phối và đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu tôm nhắm đến mục tiêu hóa giải các rào cản kỹ thuật và thương mại của các nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, những biến động của thị trường quá nhanh và mạnh khiến chuỗi giá trị con tôm của Minh Phú không phát huy được hiệu quả, thậm chí là đẩy chi phí lên cao. Mô hình của Minh Phú là phải mua tôm từ nông dân với giá đảm bảo để người nuôi có lời, nhằm tránh việc nông dân rời bỏ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nguồn cung lớn và giá rẻ từ các đối thủ đã khiến Công ty mất khả năng điều tiết giá trên thị trường, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy về kinh doanh, công nợ. Từ bài học của Minh Phú, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn như Sao Ta đã chuyển hướng nhập khẩu tôm bán thành phẩm giá rẻ về chế biến để xuất khẩu nên giảm được rủi ro lỗ do giá tôm nguyên liệu xuống thấp.
Chuyển chiến lược trọng tâm
Theo lãnh đạo của Minh Phú, để cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và tôm Ecuador, ngành nuôi tôm Việt Nam phải thực hiện hàng loạt giải pháp: tận dụng các loài tôm bản địa của Việt Nam mà đối thủ không có; hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng tôm giống; sản xuất tôm giống kháng bệnh và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm, nuôi tôm kháng bệnh, mật độ thấp vừa sức tải môi trường...
Bản thân Minh Phú đưa ra chiến lược không trực tiếp cạnh tranh với giá quá thấp của Ecuador, nên phải gia tăng sản xuất và xuất khẩu tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất. Khi đó, thế mạnh cạnh tranh của Minh Phú là những thành phẩm chất lượng cao, giúp giảm giá thành sản phẩm của toàn chuỗi trên 20%, trong khi khách hàng sẵn sàng mua với giá cao hơn 10-20% so với giá thị trường. Tuy nhiên, lãnh đạo của Minh Phú cho rằng, bà con nuôi tôm phải tự nhìn nhận, cải tiến để cải thiện, hạ giá thành vì các công ty chế biến không thể mua giá cao mãi.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỉ USD, giảm 26%. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: “Nhiều chuyên gia nhận định sản lượng tôm vẫn sẽ tăng, đạt khoảng 1 triệu tấn tôm các loại, nhưng kim ngạch xuất khẩu khó đạt được như năm 2022”. Nhiều dự báo cho thấy, hết năm 2023 xuất khẩu tôm dừng lại ở mức 3 tỉ USD đã là thành công so với con số mục tiêu đặt ra đầu năm là 4,3 tỉ USD.
Khó khăn của Minh Phú là khó khăn chung của ngành tôm Việt Nam khi đối mặt hàng loạt thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu từ chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi, tỉ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ...
Cũng như Minh Phú, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang nỗ lực xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cũng như mở rộng thêm các thị trường như Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật... Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, khuyến nghị, để tạo thế mạnh vững chắc hơn, thời gian tới, doanh nghiệp phải tăng cường các sản phẩm như sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng, có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp, đồng thời tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để nâng sức cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường mới.
Có thể bạn quan tâm: