"Vua tôm" Minh Phú đóng góp 93% lợi nhuận các doanh nghiệp tôm niêm yết
Thủy sản Minh Phú lợi nhuận quý II tăng nhờ dịch bệnh EMS
Tổng doanh thu quý II/2014 của 6 doanh nghiệp đạt 4.846 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Thủy sản Minh Phú có quy mô doanh thu lớn nhất, chiếm 71% tổng doanh thu.
Tăng trưởng doanh thu cao nhất trong quý này thuộc về thủy sản Bạc Liêu với mức tăng 69%. Thủy hải sản Việt Nhật có mức doanh thu khiêm tốn nhất, chỉ đạt 9 tỷ đồng trong quý II/2014.
Lợi nhuận sau thuế quý II/2014 của các doanh nghiệp trên đạt 289 tỷ đồng, gấp 48 lần so với quý II/2013. Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng lợi nhuận quý là Thủy sản Minh Phú với 259 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về lợi nhuận.
Theo giải trình của Thủy sản Minh Phú, lợi nhuận quý II/2014 tăng do nguồn cung của các nước xuất khẩu tôm lớn trong khu vực và trên thế giới giảm do hội chứng dịch bệnh EMS vẫn còn, nguồn cung không đủ cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Thêm vào đó, giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu tôm tăng cao.
Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng giá trị giá tăng cao như tôm Ring, Tôm Nobashi, Tôm Sushi... làm tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.
Trong quý này, duy nhất có Thủy hải sản Việt Nhật bị lỗ khoảng 1 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước công ty này cũng lỗ 6 tỷ đồng.
XNK Cà Mau và Thủy hải sản Việt Nhật có biên độ lợi nhuận trên mức trung bình của 6 doanh nghiệp, lần lượt đạt 12% và 14%. Đáng lưu ý, quý II/2013, biên độ lợi nhuận gộp của 2 doanh nghiệp này đều là số âm.
Doanh thu 6 tháng tăng 67%
Tổng doanh thu của 6 doanh nghiệp nửa đầu năm 2014 đạt 8.706 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chủ yếu do doanh thu Minh Phú tăng 69% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6.308 tỷ đồng.
Việt Nhật có doanh thu thấp nhất, chỉ với 16 tỷ đồng và không biến động so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 đạt 501 tỷ đồng, gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước là do lợi nhuận của Minh Phú tăng mạnh, đạt 259 tỷ đồng, chiếm 93% tổng lợi nhuận.
Thủy hải sản Việt Nhật tiếp tục lỗ trong 6 tháng đầu năm với con số lỗ 2 tỷ đồng. Thủy sản Bạc Liêu có lợi nhuận 6 tháng giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Biên độ lợi nhuận gộp trung bình trong nửa đầu năm 2014 của 6 doanh nghiệp đạt 11%. Trong đó, Thủy sản Bạc Liêu có biên độ lợi nhuận gộp cao nhất 15%, thấp nhất thuộc về Thực phẩm Sao Ta. "Vua tôm" Minh Phú có biên độ lợi nhuận gộp quý này là 7%, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị tồn kho của 6 doanh nghiệp tính đến hết tháng 6/2014 đạt 5568 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Minh Phú có giá trị tồn kho cao nhất, ở mức 4.728 tỷ đồng, tăng 92% so với nửa đầu năm 2013.
Hai doanh nghiệp XNK Cà Mau và Thực phẩm Sao Ta có giá trị tồn kho giảm trong 6 tháng, lần lượt giảm 9% và 33%, đạt 288 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.
Hệ số nợ trung bình 69%
Kết thúc 6 tháng đầu năm, hệ số nợ/tổng tài sản của 6 doanh nghiệp trung bình đạt 69%, trong đó 4/6 doanh nghiệp có hệ số nợ cao hơn mức trung bình.
Hiện tại, XNK Cà Mau đang có hệ số nợ cao nhất, lên tới 93%. Hệ số nợ thấp nhất thuộc về Thủy hải sản Việt Nhật với 39%.
Thủy sản Minh Phú - doanh nghiệp dẫn đầu ngành chế biến, xuất khẩu tôm có hệ số nợ ở mức 74%.
Giá cổ phiếu ngành tôm tăng cao hơn VN- Index
Trong 3 tháng gần đây tính đến ngày 28/8/2014, giá cổ phiếu của 6 doanh nghiệp tăng trung bình 40,5%, cao hơn mức giá cổ phiếu của VN - Index là 12,46%.
Giá cổ phiếu của "vua tôm" MPC tăng mạnh nhất, tăng 111,22% trong vòng 3 tháng và cũng là cổ phiếu có giá cao nhất ở thời điểm hiện tại so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Cổ phiếu có giá cao thứ 2 thuộc về FMC với mức tăng trưởng 54,78% trong 3 tháng. Riêng cổ phiếu SJ1 ở mức giá ổn định nhất với 17.000 đồng/cổ phiếu trong 3 tháng qua.
Nguồn Theo DVO