Mặc dù đạt kết quả xuất khẩu kỷ lục năm ngoái nhưng năm nay ngành hàng tôm được dự báo gặp nhiều khó khăn do những biến động của thị trường. Ảnh: TL

 
Thanh Hương Thứ Năm | 06/07/2023 14:00

"Vua tôm" lưỡng đầu thọ địch

Trong khi chưa ra khỏi khó khăn do dịch bệnh, “Vua tôm” Minh Phú lại đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ 2 đối thủ mới là Ấn Độ và Ecuador.

Những năm 2003, ở thời kỳ đỉnh cao của ngành thủy sản, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được mệnh danh là “Vua tôm”. Qua thời huy hoàng, Minh Phú vẫn nằm trong Top 3 của ngành nhưng doanh thu đã tụt dốc và phải tìm cách giải bài toán về giá để cạnh tranh với các đối thủ mới.

Gánh nặng kép  

Sau 2 năm đại dịch, Minh Phú lại tiếp tục chịu tác động kép từ thị trường và đã có một kết quả kinh doanh nửa đầu năm không như mong đợi với khoản lỗ gần 100 tỉ đồng. Đáng chú ý đây là lần thua lỗ đầu tiên trong 7 năm trở lại đây. Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay giảm khoảng 22% so với thực hiện năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế cũng đi lùi. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 541 triệu USD, giảm 30% năm ngoái.

Mặc dù đạt kết quả xuất khẩu kỷ lục năm ngoái nhưng năm nay ngành hàng tôm được dự báo gặp nhiều khó khăn do những biến động của thị trường. Ngoài ra, còn yếu tố chủ quan là giá thành sản xuất tôm Việt Nam đang quá cao. Tình hình kinh doanh ảm đạm của Minh Phú được đặt trong bối cảnh khó khăn chung của cả ngành.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021 có gần 800 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động xuất khẩu thủy sản. Trong đó, Top 100 doanh nghiệp có doanh số từ 20-400 triệu USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Minh Phú đạt doanh số trên 395 triệu USD, chiếm 4,44%, đứng đầu về xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu tôm cả nước.

 

Thực tế, nếu 2 năm vừa qua khó khăn chủ yếu do dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng tình hình xuất khẩu nhưng sức mua vẫn khá tốt, thì năm nay, doanh nghiệp ngành thủy sản gặp khó khi sức mua các thị trường giảm sút. Bên cạnh đó, cạnh tranh về giá với các nước xuất khẩu tôm đã khiến doanh nghiệp Việt khó giữ được thị phần.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty Thủy sản Minh Phú, giải thích: “Giá thành nuôi cao khiến con tôm Việt Nam khó cạnh tranh với hàng đến từ các nước đối thủ như Ecuador, Ấn Độ”. Ông cho biết giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của 3 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới đối với size 50-60 con mỗi kg của Ecuador chỉ khoảng 2,3-2,4 USD, trong khi của Ấn Độ là 3,4-3,8 USD, còn Việt Nam lên đến 4,8-5 USD. Nguyên nhân chính là do tỉ lệ nuôi thành công thấp. Điều này khiến Minh Phú và các doanh nghiệp trong ngành không bán được hàng.

Hiện tỉ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam bình quân đạt dưới 40%, thấp hơn nhiều so với ở Ecuador là trên 90%, Ấn Độ hơn 60%. Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam lại đang cao gấp đôi Ecuador. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tăng cường thu mua tôm từ các nước khác trong khi giảm đặt mua các sản phẩm tôm từ Việt Nam. Cụ thể, lượng tôm nhập khẩu trong quý I/2023 của Trung Quốc từ Ecuador tăng 43%; từ Ấn Độ tăng 16%; từ Argentina tăng 205% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thị trường Mỹ cũng đang giảm sút mạnh.

Cuộc đua về giá 

Trước sức ép về giá bán trên thị trường, Minh Phú cho biết mới tự chủ được 10% nguyên liệu, 90% mua bên ngoài với mức giá ngang bằng với tôm Công ty tự nuôi và liên kết nuôi trồng. Nhưng từ tháng 4 trở lại đây, Công ty phải giảm giá mua tôm từ bên ngoài để có thể có mức giá tốt cạnh tranh với tôm Ấn Độ và Ecuador.

Công ty cũng đang lên kế hoạch mới với chiến lược trọng tâm là đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035, giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador. Để làm được điều đó, Minh Phú đưa ra chiến lược không trực tiếp cạnh tranh với giá quá thấp của Ecuador, nên phải gia tăng sản xuất và xuất khẩu tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất. Giải pháp cạnh tranh với các nước là xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.

Theo thống kê của VASEP, nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TTXVN
Nhập khẩu các sản phẩm tôm hấp của Mỹ tăng 6% lên 142.958 tấn, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ tăng 36% lên 56.854 tấn, chiếm 39% thị phần. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê của VASEP, nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Sức ép cạnh tranh giữa tôm Việt Nam với Ấn Độ, Ecuador ngày càng tăng khi 2 nước này đang tích cực tham gia vào mảng xuất khẩu tôm giá trị gia tăng. Năm ngoái, khi xuất khẩu tôm thịt sang Mỹ giảm, các công ty xuất khẩu tôm Ấn Độ đã nỗ lực đầu tư các nhà máy mới và dây chuyền hấp để tăng khối lượng xuất khẩu các sản phẩm tôm hấp trong năm nay.

Nhập khẩu các sản phẩm tôm hấp của Mỹ tăng 6% lên 142.958 tấn, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ tăng 36% lên 56.854 tấn, chiếm 39% thị phần. Sau dịch, các công ty tôm của Ấn Độ cũng tập trung đẩy mạnh sản xuất giá trị gia tăng nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các nhà sản xuất của Ecuador và cả Việt Nam để giành lại thị phần ở Mỹ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết: “Kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ dự tính ở mức 9-10 tỉ USD, giảm 1-2 tỉ USD so với năm 2022”. Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ quý III/2023 trở đi, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ giảm chậm lại. Vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành tôm không còn con đường nào khác phải giảm giá thành tôm nuôi xuống bằng Ấn Độ, rồi bằng Ecuador.

 

Mặc dù khó khăn hiện tại nhưng người đứng đầu Minh Phú vẫn lạc quan khi dự kiến kể từ tháng 8/2023 trở đi, giá tôm sẽ tăng, sẽ giải quyết được hàng tồn kho, tình hình kinh doanh của Công ty sẽ tốt hơn. Cụ thể, theo ông Quang, do giá tôm trên thị trường đang thấp, nên tình trạng “treo ao” ở Ấn Độ tới 30-50%. Còn tại Ecuador, lượng mưa nhiều, tôm chết tới 30%. Điều này khiến sản lượng tôm cuối năm nay giảm mạnh và giá sẽ tăng.

Tại Việt Nam, giá tôm thấp cũng khiến nhiều người nuôi “treo ao” tăng tới 30-50%. Theo đó, sản lượng tôm cũng sẽ giảm 30-50%. Nguồn cung thiếu sẽ giúp “đẩy” nhanh hàng tồn kho ra thị trường cuối năm nay vì dịp cuối năm có nhiều lễ hội, khiến mức tiêu dùng tăng lên, khi đó giá tôm sẽ tăng trở lại.