Thứ Sáu | 21/12/2012 17:25

Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN: Mạng lưới ATM của ngân hàng thu không đủ bù chi

Theo thống kê của NHNN, trong năm 2012, chênh lệch thu-chi liên quan đến đầu tư, vận hành hệ thống ATM chưa cân đối được là 2 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi một số vấn đề về Dự thảo Thông tư phí dịch vụ thẻ nội địa vừa được NHNN lấy ý kiến, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, gần đây một số ngân hàng mới thực hiện thu gián tiếp phí thường niên qua hình thức thu phí quản lý tài khoản thẻ bởi vậy lợi ích thu được từ các loại phí này (nếu có) đối với ngân hàng là không đáng kể.

Lợi ích chủ yếu từ hoạt động kinh doanh thẻ nội địa của các ngân hàng là số dư tiền gửi không kỳ hạn cá nhân gắn với tấm thẻ ghi nợ/ ATM, tính đến cuối tháng 6/2012 là 40 nghìn tỷ đồng trên các tài khoản thẻ toàn hệ thống.

Tuy nhiên, theo ông Tiên, đồng nghĩa nguồn thu này bằng tổng số dư tài khoản thẻ nhân với chênh lệnh giữa lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (hiện khoảng 2-3%) với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn/ tiết kiệm (8-9%) là có phần chưa chính xác và toàn diện do đây là dòng tiền “động”, các ngân hàng phải dự phòng phần lớn nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu giao dịch rút tiền, thanh toán, chuyển tiền bất thường và phải mất nhiều chi phí, nhân lực để quản trị rủi ro thanh khoản, cân đối kỳ hạn...

Ông Tiên cho biết, trên thực tế, hoạt động kinh doanh thẻ của nhiều ngân hàng, nhất là những ngân hàng với mạng lưới ATM lớn thường là thu không đủ bù chi. Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, ngân hàng nước ngoài, sau khi cân đối lợi ích, chi phí từ hoạt động kinh doanh thẻ ATM đã lựa chọn chỉ đầu tư tượng trưng một lượng máy ATM nhất định hoặc không đầu tư mạng lưới ATM của riêng mình.

Bên cạnh đó, đặc điểm của thị trường thẻ Việt Nam là giao dịch ATM rút tiền khối lượng lớn (trên 1 triệu giao dịch/ ngày), chiếm tỷ trọng cao (trên 70% tổng lượng giao dịch ATM), thời gian tiền được duy trì trong tài khoản tương đối ngắn nên chi phí cho công tác tiếp quỹ, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế vật tư hao mòn và tiền mặt tồn quỹ... phục vụ cho rút tiền từ ATM là rất lớn trong khi lợi ích thu được từ việc để tiền trong tài khoản chưa nhiều.

Theo thống kê của NHNN, trong năm 2012, tổng chi phí liên quan đến đầu tư, vận hành hệ thống ATM là gần 3,7 nghìn tỷ đồng; tổng thu (đã bao gồm lợi ích thu được từ số dư tiền gửi không kỳ hạn tài khoản thẻ nội địa) là xấp xỉ 1,7 nghìn tỷ đồng; chênh lệch thu-chi chưa cân đối được là 2 nghìn tỷ đồng.

Ông này cũng cho rằng, tình trạng thu chi mất cân đối trong hoạt động kinh doanh thẻ nếu kéo dài thêm sẽ dẫn tới việc các ngân hàng không có động lực đầu tư mở rộng và duy trì mạng lưới ATM cũng như việc nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ.

Bên cạnh đó, các dịch vụ ngân hàng hoặc các dịch vụ tiện ích khác trong xã hội mà không phải là dịch vụ công, nói chung việc cung ứng dịch vụ thường trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, trong đó có thỏa thuận về mức và loại phí.

"Do đó, việc dự kiến thu phí dịch vụ ATM theo dự thảo thông tư mới ban hành là phù hợp với lộ trình và khung phí theo quy định của NHNN. Mục đích chính của việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng (nếu có) chỉ hướng tới việc bù đắp, thu hồi một phần chi phí giao dịch, giúp các ngân hàng cân đối phần nào chi phí bỏ ra, có thêm động lực đầu tư, mở rộng mạng lưới ATM và nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Tiên nhận định.

Nguồn Khampha/SBV


Sự kiện