Vụ trưởng Vụ phát triển TTCK: Những chính sách sẽ giúp chứng khoán khởi sắc
Ông nhận định thế nào về thị trường chứng khoán năm 2013. Khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể vượt qua cơn "bĩ cực"?
Mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện từ cuối năm 2012, song theo tôi, những tháng đầu năm 2013 thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi thị trường chứng khoán được ví như "hàn thử biểu" của nền kinh tế, trong khi những điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu, tồn kho, sự đóng băng của thị trường bất động sản vẫn chưa được xử lý.
Tuy nhiên, những thông điệp phát đi từ đầu năm 2013 của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho thấy các "nút thắt" nêu trên đã có hướng xử lý bước đầu. Đặc biệt vấn đề tháo gỡ khó khăn cho dòng tiền vào bất động sản và không hạn chế tín dụng phi sản xuất. Điều này có thể tạo hiệu ứng tốt cho khu vực thị trường chứng khoán. Mặt khác, việc xem xét đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi "rổ" phi sản xuất cũng sẽ hỗ trợ rất tốt huy động vốn của DN và ngay chính cả khu vực NHTM.
Theo tôi đánh giá, với một loạt chính sách trên của Chính phủ, thị trường chứng khoán sẽ có những dấu hiệu khởi sắc hơn. Đặc biệt một loạt văn bản sẽ có hiệu lực trong năm 2013, tạo cơ sở hình thành các sản phẩm mới như: quỹ mở, quỹ đầu tư BĐS, quỹ ETF... vấn đề tái cấu trúc công ty chứng khoán (công ty chứng khoán) cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực cho công ty chứng khoán. Tất cả những điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho sự tăng trưởng thị trường chứng khoán, cũng như của nền kinh tế…
Về phía UBCKNN có những giải pháp gì để đẩy nhanh quá trình phục hồi thị trường?
UBCKNN đang báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ để triển khai một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ DN và thị trường chứng khoán ngay từ đầu năm 2013. Trong đó, tập trung vào 8 nhóm giải pháp cơ bản như đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi tín dụng phi sản xuất; nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; đưa các sản phẩm phái sinh cơ bản vào giao dịch...
Thời gian qua, một số công ty chứng khoán phá sản, hoặc bị kiểm soát đặc biệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Phải chăng vẫn còn kẽ hở các chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động chứng khoán?
Cùng với sự tăng trưởng nóng của thị trường, thời gian qua số lượng công ty chứng khoán thành lập quá nhanh, trong khi quy mô thị trường chưa phát triển tương xứng dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty. Trong số đó, nhiều công ty chứng khoán đã sử dụng các đòn bẩy tài chính thái quá, trong khi lại buông lỏng quản trị rủi ro và hệ quả dẫn đến thua lỗ lớn, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản. Vì vậy, việc tái cấu trúc lại khu vực các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức trung gian tài chính.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm, trong đó trọng tâm đặt ra vấn đề phải phân loại các công ty chứng khoán thành 4 nhóm dựa trên các tiêu chí an toàn tài chính để có giải pháp ứng xử đối với từng nhóm công ty, trong đó đặc biệt quan tâm là nhóm bị kiểm soát đặc biệt.
Đối với nhóm này, sau thời gian bị kiểm soát đặc biệt, nếu không đảm bảo được các quy định về an toàn tài chính và tiếp tục thua lỗ (lỗ lũy kế vượt trên 50% vốn điều lệ) thì phải đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép, giải thể hoặc cho phá sản theo quy định của pháp luật.
Để tăng cường công tác giám sát hoạt động đối với các công ty chứng khoán, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành bổ sung các quy định về tiêu chí an toàn tài chính và nghĩa vụ công bố công khai các chỉ tiêu an toàn tài chính của các công ty chứng khoán, qua đó góp phần giám sát tình hình "sức khỏe" của các công ty chứng khoán để phân loại đối tượng quản lý, nhằm góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các công ty chứng khoán. Đây được xem như "chìa khóa" để góp phần cảnh báo sớm hoạt động của công ty chứng khoán.
Nguồn Thời báo ngân hàng