Vụ thu hoạch đậu nành của Argentina muộn hơn do mưa lớn
Oil World cho biết “Hiện mối nguy giảm chất lượng và giảm năng suất ngày càng lớn. Tình trạng lây lan dịch bệnh đã được ghi nhận tại nhiều vùng. Trong khi đó, tính riêng đậu nành, diện tích bỏ hoang có thể lên đến 1 triệu ha”.
Giá đậu nành kỳ hạn tại Sàn giao dịch Chicago (CBOT) tăng 16% trong năm nay do nhu cầu của Trung Quốc tăng và trữ lượng lưu kho của Mỹ, nước sản xuất lớn nhất đậu nành, giảm.
Theo Oil World, đồng peso Argentina giảm giá trong thời gian gần đây cùng với dự đoán chính phủ có thể phá giá đồng nội tệ có thể biến nông dân thành “người bán cẩn trọng hơn” và họ có thể giữ lại sản lượng thu hoạch như một biện pháp phòng chống lạm phát. Argentina đã phá giá đồng peso 19% trong tháng 1 năm nay.
Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, đã tăng nhập khẩu các loại hạt có dầu lên 7,17 triệu tấn trong tháng 4, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng khối lượng nhập khẩu hạt có dầu của nước này trong năm 2013-2014 bắt đầu từ tháng 10 lên mức kỷ lục 42,9 triệu tấn, tăng từ 32,1 triệu tấn cùng kỳ trước đó. Tháng 4, Trung Quốc nhập khẩu 6,5 triệu tấn đậu nành và 544.000 tấn hạt cải dầu, chủ yếu từ Canada và Australia.
Nhập khẩu đậu nành
Theo Oil World, nhập khẩu dầu đậu nành của Trung Quốc quý II/2014 có thể đạt 280.000 tấn, so với 235.000 tấn cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Argentina và Brazil. Nhập khẩu dầu cọ của Trung Quốc tháng 4 năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt 494.000 tấn, trong khi nhập khẩu dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng giảm.
Tại EU, tiêu thụ 17 loại dầu chính ước đạt mức cao nhất trong 4 năm qua với 30,9 triệu tấn trong vụ 2013-2014. Sự gia tăng này chủ yếu do lĩnh vực năng lượng. Sản lượng dầu sinh học của EU năm ngoái tăng lên mức kỷ lục 10,2 triệu tấn. Năm 2013, khoảng 5,6 triệu tấn hạt cải dầu, 2,5 triệu tấn dầu cọ và 1,2 triệu tấn dầu đã qua sử dụng được dùng trong sản xuất nhiên liệu sinh học.
Nguồn Theo DVO/Bloomberg