Thứ Ba | 24/09/2013 10:33

Vụ Huỳnh Thị Huyền Như: Chủ nợ thu lợi 660 tỉ đồng đã ra nước ngoài

Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung cho vay tiền với lãi suất cao gấp 10,66 lần, đã hưởng tiền lãi trên 660 tỉ đồng nhưng hiện không ở Việt Nam.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân, đề nghị Viện Kiểm soát nhất dân tối cao truy tố 23 bị can về sáu tội danh.

Theo đó, Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM - bị đề nghị truy tố thêm về hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Các bị can Bùi Ngọc Quyên (nguyên phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP.HCM), Nguyễn Xuân Tiên (nguyên phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Hoàng Hương Giang, Phạm Tuyết Anh, Nguyễn Thị Phúc Ngân (đều thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) bị đề nghị truy tố về hành vi "vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng"; bị can Phạm Văn Chí (trú tại TP.HCM) bị đề nghị truy tố về hành vi "cho vay nặng lãi".

Kết thúc điều tra trước đó, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 17 bị can về năm tội danh, xác định số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định vào đầu năm 2007, Huyền Như vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.

Trong quá trình kinh doanh, do cần nguồn vốn nên Như đã vay nóng lãi suất cao của hàng chục cá nhân. Số tiền vay đến năm 2010 lên đến hàng trăm tỉ đồng, Như không có khả năng thanh toán. Do bị đòi tiền nên Như lợi dụng vị trí khi đó là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có quyền ký duyệt lệnh chuyển tiền từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp với mức 50 tỉ đồng một lệnh để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra xác định việc bị đòi nợ là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy hành vi phạm tội của Huyền Như.

Cơ quan điều tra xác định bị can Phạm Văn Chí là chủ nợ lớn của Huỳnh Thị Huyền Như. Theo lời khai của Như, từ năm 2008 bị can này vay tiền của Phạm Văn Chí, lúc đầu là 2 tỉ đồng với lãi suất 0,5-0,6%/ngày (cao hơn 10 lần lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định). Sau đó, Như đã trả gốc và lãi cho Chí khoảng 200 tỉ đồng và còn nợ hàng chục tỉ cùng gần nửa triệu USD, 50 lượng vàng.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra mới xác định Phạm Văn Chí cho Như vay hai lần số tiền gần 17,5 tỉ đồng, thu lợi bất chính gần 6 tỉ đồng. Việc Phạm Văn Chí cho Như vay tiền với lãi suất cao, liên tục trong thời gian dài, mang tính chất bóc lột là nguyên nhân dẫn đến việc Huỳnh Thị Huyền Như thực hiện hành vi phạm tội. Cùng hành vi với Phạm Văn Chí có Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung, cho Như vay tiền với lãi suất cao gấp 10,66 lần so với lãi suất cao nhất của Ngân hàng Nhà nước quy định, đã hưởng tiền lãi trên 660 tỉ đồng. Do Trung không ở Việt Nam nên Viện Kiểm soát nhân dân tối cao đã hủy quyết định khởi tố đối với bị can này.

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Như đã lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM, tự thỏa thuận lãi suất vay tiền rồi làm giả tám con dấu của các đơn vị để lừa đảo chiếm đoạt tiền của chín công ty, ba ngân hàng, ba cá nhân với tổng số tiền hơn 4.911 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Như sử dụng hơn 925 tỉ đồng để trả nợ gốc, nợ lãi trong và ngoài hợp đồng cho bốn đơn vị. Cơ quan điều tra xác định Như chiếm đoạt hơn 3.986 tỉ đồng, trong đó Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu bị chiếm đoạt hơn 700 tỉ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt 200 tỉ đồng, Ngân hàng Quốc tế VIB chi nhánh TP.HCM 180 tỉ đồng...

Quá trình phạm tội, Như đã làm giả gần 200 tài liệu gồm hồ sơ mở tài khoản, hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng tiền gửi... Đáng chú ý có tới 110 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng giữa Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và các doanh nghiệp bị làm giả.

Nguồn Tuổi trẻ


Sự kiện