Ông Paul Polman, CEO Tập đoàn Unilever.
Vũ điệu tăng trưởng bền vững của Unilever
→Ông chủ của Unilever muốn cứu thế giới bằng cách nào?
Có mặt tại Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu lần 6 được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, CEO Tập đoàn Unilever cùng với lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu thế giới đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề mang tính toàn cầu. Trong đó, nổi bật các nội dung: thành phố bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới trong năng lượng sạch, an ninh lương thực; khôi phục và sử dụng đất đai...
Những nội dung này cũng có nhiều điểm tương đồng với các mục tiêu phát triển bền vững của Unilever trên toàn cầu. Chia sẻ cùng NCĐT trong chuyến công du đến Việt Nam, ông Paul Polman, CEO Unilever, khẳng định việc tăng trưởng kinh doanh của Tập đoàn sẽ đi kèm với sứ mệnh mang lại những lợi ích cho hàng tỉ người dân trên thế giới.
Thử thách là cơ hội
Dân số thế giới đang gia tăng một cách nhanh chóng và dự đoán sẽ đạt con số khoảng hơn 9 tỉ người vào năm 2050. Đây sẽ là một thách thức lớn với toàn cầu khi nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm và có nguy cơ không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Cùng với đó là các vấn đề về điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, sức khỏe vệ sinh dinh dưỡng, đặc biệt là vấn đề khan hiếm nước sạch.
Với mục tiêu tạo ra cuộc sống bền vững cho hàng tỉ dân trên thế giới, Kế hoạch phát triển bền vững đã trở thành kim chỉ nam trong mô hình kinh doanh của Unilever với 3 điểm trọng yếu: tăng trưởng kinh doanh, giảm thiểu tác động đến môi trường và gia tăng các giá trị xã hội tích cực.
“Chúng tôi mong muốn góp phần cải thiện sức khỏe, vệ sinh, điều kiện sống cho hơn 1 tỉ người, giảm một nửa tác động của sản xuất đến môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người đồng thời với quá trình tăng trưởng kinh doanh của Unilever”, ông Paul Polman cho biết.
Kế hoạch phát triển bền vững được Unilever triển khai trên toàn cầu vào năm 2010. Sau 7 năm thực hiện, đã có 600 triệu người trên toàn cầu được hưởng lợi thông qua nhiều chương trình của Unilever như rửa tay, chăm sóc răng miệng hay nước sạch, chuỗi cung ứng bền vững.
Unilever Việt Nam được người đứng đầu Tập đoàn đánh giá là một trong những thị trường mũi nhọn cho tập đoàn, cả về mặt chiến lược, tiềm năng kinh doanh và thành công trong thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững. “Về mặt chiến lược, Việt Nam là một thị trường rất quan trọng với hơn 90 triệu dân, đang phát triển nhanh và rất tiềm năng, có vai trò rất quan trọng đối với Unilever toàn cầu”, ông Paul Polman nhận định.
Định hướng chiến lược của Unilever tại thị trường này là hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững nhất. “Chúng tôi coi thách thức là cơ hội bởi nó mở ra một cơ hội kinh doanh khổng lồ, hướng đến đáp ứng nhu cầu chăm sóc vệ sinh, dinh dưỡng, sức khỏe và làm đẹp cho người tiêu dùng Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho biết.
Kế hoạch phát triển bền vững giúp Unilever Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường sự tin cậy, giảm thiểu rủi ro và giảm thiểu chi phí. Các nhãn hàng bền vững của Unilever Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các nhãn hàng còn lại và đóng góp nhiều hơn trong tổng tăng trưởng doanh thu của Công ty. Các sáng kiến sản xuất và kinh doanh xanh đã giúp Công ty tiết giảm được gần 100 triệu euro chi phí hoạt động kể từ năm 2012. Cùng với đó, với việc tìm kiếm và sử dụng các nguồn cung bền vững, Unilever đã giảm thiểu được rủi ro từ nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu trong chuỗi cung ứng.
Ông Paul Polman trong một chương trình xã hội dành cho trẻ em nghèo tại Việt Nam. |
Công ty của người Việt
Sau hơn 23 năm xây dựng thương hiệu và tiếp cận người Việt Nam bằng những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân, Unilever đã tạo được sự thân thiện quen thuộc trong cuộc sống với 25 nhãn hàng hiện đang dẫn đầu thị trường cả nước như OMO, P/S, Lifebuoy, Vim, Clear, Pond’s… Mỗi ngày, có khoảng hơn 35 triệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua 150 nhà phân phối với hơn 300.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Đảm nhiệm vai trò CEO toàn cầu của Tập đoàn Unilever gần 10 năm nhưng có đến 5 lần ông Paul Polman đến Việt Nam. Với những câu hỏi khá bất ngờ của báo giới, ông trả lời tường tận rõ nét về những chương trình hành động của Unilever Việt Nam trong suốt 7 năm thực hiện kế hoạch phát triển bền vững như: gần 10 triệu người được hưởng lợi từ chương trình rửa tay của nhãn hàng Lifebuoy, 7 triệu người được hưởng lời từ chương trình chăm sóc vệ sinh răng miệng của nhãn hàng P/S... Ông cũng không quên nhắc đến nhãn hàng Vim đã có chương trình nhà vệ sinh sạch giúp cho hơn 5 triệu người dân được hưởng lợi.
“Đối với Việt Nam, chúng tôi đưa ra mục tiêu rất tham vọng cho chương trình bền vững bởi chúng tôi muốn cải thiện sức khỏe, vệ sinh cho trên 25 triệu người”, ông Paul Polman nhấn mạnh. Ông cũng hào hứng kể về sự lan tỏa của “Vũ điệu rửa tay với xà phòng” tại nhiều trường học ở các vùng quê Việt Nam, hoặc tới chương trình hợp tác chiến lược dài hạn giữa Unilever và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp cho nhiều phụ nữ tiếp cận với nâng cao nhận thức về vệ sinh, sức khỏe, phát triển dinh dưỡng và được tạo nhiều việc làm mới. Qua đó, gần 44.600 hộ gia đình nghèo tiếp cận vốn vay của chương trình tài chính vi mô với tổng số tiền gần 300 tỉ đồng giúp họ cải thiện thu nhập và cuộc sống.
Không chỉ ghi nhận các thành tích ấn tượng trong Kế hoạch phát triển bền vững, người đứng đầu Unilever toàn cầu cũng ghi nhận một điều đặc biệt của Unilever Việt Nam bởi sự đóng góp không nhỏ về vấn đề xây dựng và phát triển, xuất khẩu nguồn nhân lực cũng như các sáng kiến kinh doanh. Theo đó, rất nhiều nhà lãnh đạo giỏi người Việt đang làm việc cho Unilever trên thế giới và rất nhiều các sáng kiến kinh doanh khởi phát từ Việt Nam đang được các thị trường khác học hỏi và thực hiện hiệu quả.
Xây dựng Kế hoạch phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các đối tác, các cơ quan Chính phủ để cùng thực hiện các chương trình cộng đồng và gia tăng các lợi ích xã hội, xây dựng chính sách nguồn nhân lực Việt Nam, thấu hiểu người tiêu dùng, cộng đồng là những lý do mà ông Paul Polman cho rằng Unilever Việt Nam đã thực sự là một công ty Việt Nam.
“Phần lớn đội ngũ lãnh đạo và nhân viên Unilever Việt Nam đều là người Việt Nam, Chủ tịch của Unilever Việt Nam cũng là một người Việt Nam. Và với những điều này, chúng tôi như được gắn kết gần hơn với con người Việt Nam từ trong cuộc sống thường ngày, gắn bó chặt chẽ với người tiêu dùng và cộng đồng tại đây”, ông chia sẻ.
Giải quyết chứ không tạo thêm vấn đề cho xã hội
Trong thời gian qua, Unilever đã tạo bước tiến đáng kể trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính từ khâu vận chuyển đến các công đoạn sản xuất bằng cách tăng cường hiệu quả và ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như nguyên liệu sinh khối cho vận hành lò hơi, năng lượng mặt trời cho việc đun nước nóng và tuần hoàn để tái sử dụng nhiệt năng.
Kể từ năm 2011, Unilever Việt Nam đã thiết lập báo cáo và giám sát lượng phát thải nhà kính và lượng nước tiêu thụ, đến nay đã ghi nhận cắt giảm thành công 99% lượng phát thải khí carbon và hơn 42% lượng nước sử dụng cho sản xuất trên 1 tấn sản phẩm.
Theo định hướng chung của Unilever toàn cầu, tại Việt Nam, toàn bộ các nhà máy đã thực hiện thành công việc quản lý nguồn rác thải, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất sạch hơn nhằm hoàn thành mục tiêu không còn rác thải đem chôn lấp ra môi trường.
Unilever cũng là công ty lớn hàng đầu thế giới tiên phong đưa ra cam kết 100% bao bì được tái chế, tái sử dụng và thân thiện với môi trường vào năm 2025. Chương trình đã được ra mắt tại 5 quốc gia ở châu Á là Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia với mục tiêu xây dựng mô hình thu gom, tái chế bao bì bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Tại Việt Nam, Unilever cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với người tiêu dùng, hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp để có thể thực hiện thành công Kế hoạch phát triển bền vững và đạt được mục tiêu trở thành công ty được ngưỡng mộ nhất Việt Nam, cam kết cải thiện cuộc sống cho người dân Việt Nam”, ông Paul Polman kết luận.