VPBank lên sàn: thỏa cơn khát vốn
Sau khi cổ phiếu VPB chính thức lên sàn HOSE ngày 17/8, từ nay tới cuối tháng 8, VPBank dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động khoảng 6.000 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của VPBank sau hoạt động niêm yết và phát hành thêm dự kiến sẽ ở mức 25.000 tỉ đồng. “Số vốn này đủ cho ngân hàng yên tâm kinh doanh trong vài năm tới”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank cho biết.
Nước ngoài định giá cao
Thực tế trước khi niêm yết, VPBank được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý. Ông Vinh cho biết đã có 78 trong tổng số gần 90 nhà đầu tư ngoại đầu tư vào cổ phiếu VPBank kể từ đầu năm tới nay, với khối lượng cổ phiếu đặt mua cao gấp 4 lần so với dự kiến ban đầu của ban lãnh đạo ngân hàng. “Ngay ở thời kì đỉnh cao của ngành ngân hàng cũng chưa có nhu cầu nào cao đến như vậy”, ông Tô Hải, Tổng giám đốc của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định về thương vụ gọi vốn ngoại của VPBank trước khi lên sàn gần đây.
Ghi nhận thêm về phiên giao dịch đầu tiên cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến cổ phiếu VPB, bằng động thái mua vào 37,3 triệu cổ phiếu ngay trong phiên mở cửa (trên tổng số 46 triệu cổ phiếu giao dịch) với mức giá bằng với mức giá tham chiếu là 39.000 đồng/cổ phần.
Theo VCSC, cũng đồng thời là đơn vị tư vấn niếm yết, mức giá này được đưa ra bởi các quỹ đầu tư nước ngoài, cá biệt có những nhà đầu tư trả giá đến vùng giá 45.000 đồng/cổ phiếu nhưng cuối cùng VPBank chốt mức giá trên. “Đây được xem là mức giá hợp lý để có thể tạo ra sự sinh lời trong tương lai cho các nhà đầu tư”, đại diện VPBank cho biết.
Sau khi niêm yết, VPBank sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu với tỉ lệ 11%. Dự kiến vốn chủ sở hữu sau khi phát hành riêng lẻ của VPBank sẽ được nâng lên 25.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu VPBank lên sàn cũng đúng vào thời điểm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch sôi động trở lại, cả giá và thanh khoản đều tăng, có ngân hàng tăng mạnh. Thống kê ở 12 ngân hàng (gồm 11 ngân hàng đã lên sàn giao dịch và thêm Techcombank) cho thấy tổng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng 37% so với cùng kỳ.
Với mức vốn hóa dự kiến ban đầu lên đến 2,3 tỉ USD, VPBank có thể trở thành ngân hàng tư nhân có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trong số các ngân hàng tư nhân.
Trước đây, VPBank “khát vốn” là vì ngân hàng này tập trung phát triển lĩnh vực cho vay nhiều rủi ro, bao gồm cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và để đáp ứng các yêu cầu an toàn về vốn theo Basel II trong thời gian tới.
Bên cạnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, năm ngoái, VPBank nhận được gói tài trợ thương mại trị giá 133 triệu USD từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC). FE Credit trước đây cũng đưa ra phương án bán 49% cổ phần để kiếm nguồn vốn nhưng nay đã hủy kế hoạch này. Huy động vốn của FE Credit năm 2016 đã đạt 29.000 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm trước đó.
Kiếm tiền từ thị trường rủi ro cao
Quy mô tổng tài sản cuối năm 2016 của VPBank đạt hơn 226.000 tỉ đồng, đạt mức tăng trưởng kép bình quân hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2012 – 2016 là 22%. Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt hơn đạt 3.935 tỉ đồng vào cuối năm 2016, xếp trên các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác. Thống kê của VCSC cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank đạt 25,7%, còn lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,9% trong năm 2016.
Ngoài trụ cột tăng trưởng FE Credit, VPBank tăng trưởng nhanh trong thời gian qua còn nhờ tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Năm ngoái, dư nợ của FE Credit và khối SME tăng trưởng lần lượt 58% và 26%.
FE Credit được phát triển từ khối tín dụng tiêu dùng thành lập năm 2010, hiện sở hữu 48% thị phần cho vay tiêu dùng năm 2016, theo khảo sát của Stoxplus năm 2017. Trung bình mỗi tháng công ty này phê duyệt 240.000 khoản vay. Trong đó, sản phẩm cho vay tiền mặt là chủ lực, chiếm đến 80% thị phần của loại sản phẩm này.
Theo ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit, nguyên tắc hoạt động của công ty là nhận diện được rủi ro sớm nhất có thể, thay vì để trở thành gánh nặng rồi mới xử lý. FE Credit hiện có hơn 1.600 nhân viên thu hồi nợ, chưa tính đến cộng tác viên, còn VPBank thì có đội thu hồi nợ lên đến 600 người.
Trong giai đoạn kế tiếp VPBank vẫn trung thành với hoạt động bán lẻ, ông Vinh cho biết. Xét về tỉ trọng, dư nợ của khách hàng doanh nghiệp chiếm 37,8% tổng dư nợ, trong khi hộ kinh doanh, cá nhân năm 2016 chiếm 62,2%. Mặc dù quy mô lợi nhuận tăng mạnh, theo đánh giá của ông Vinh, tăng trưởng tín dụng của VPBank hiện vẫn ở mức trung bình so với ngành. Năm ngoái, tăng trưởng dư nợ đạt khoảng 26%, còn năm nay ước khoảng 21%.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng nếu trong vòng 5 năm nữa không có sản phẩm mới thì VPBank sẽ khó duy trì chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, ngân hàng đang cố gắng phát triển khối Tín dụng Tiểu thương (CommCredit) thành lập vào năm 2015 và phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro SME) triển khai năm 2016.
Sau khi niêm yết, VPBank cũng dự kiến thông qua chương trình ESOP cho cán bộ chủ chốt, quy mô tùy theo khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng này. Các cổ đông cũng dự kiến được chia cổ tức với ưu tiên là cổ phiếu.