E Credit được định giá đến 2,8 tỉ USD. Ảnh: TL.
VPBank bán 49% cổ phần FE Credit cho Sumitomo Mitsui
Ngày 28.4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC) để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.
Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỉ USD. Như vậy, VPBank có thể thu về gần 1,4 tỉ USD từ thương vụ này. FE Credit từ nhiều năm qua được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Những năm gần đây, công ty này mang về 45 - 50% tổng lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng…
Hiện FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên. Đến nay, FE Credit đã phục vụ gần 11 triệu người dân Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp.
Trong khi đó, Tập đoàn SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỉ USD tại thời điểm 31.12.2020, đồng thời là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh trên toàn quốc.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Nhật Bản hiện đứng thứ 3 về hình thức hiện diện tại Việt Nam. Ảnh: TL. |
Trong lĩnh vực ngân hàng, Nhật Bản hiện đứng thứ 3 về hình thức hiện diện tại Việt Nam, với 6 chi nhánh, 2 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài và 10 văn phòng đại diện. Ngoài ra, các tổ chức tài chính, ngân hàng của Nhật Bản đang tham gia góp vốn, mua cổ phần với tư cách là các cổ đông chiến lược tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, bao gồm Ngân hàng Mizuho Bank (15% vốn điều lệ của Ngân hàng Công thương), Ngân hàng SMBC (15% vốn điều lệ của Eximbank) và mới nhất là khoản đầu tư vào VPBank.
Thương vụ SMBC Consumer Finance thâu tóm 49% cổ phần của FE Credit là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của một ngân hàng Nhật Bản vào một công ty tài chính Việt Nam.
Theo Ngân hàng Thế giới, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện đang tăng trưởng hơn 30% mỗi năm. Tập đoàn tài chính Nhật Bản đang tìm cách mở rộng làm ăn ở châu Á trong bối cảnh thị trường ở quê nhà đang thu hẹp và dân số giảm.
Ngoài Việt Nam, SMFG cũng đầu tư vào các thị trường châu Á khác như Hồng Kông, Indonesia và Campuchia. Trước đó, Hãng tin Reuters dẫn lời giám đốc điều hành Jun Ohta của SMFG nói rằng tập đoàn này muốn làm ăn ở Việt Nam, Philippines, Ấn Độ…